Đắk Lắk chủ động nắm bắt thời cơ và động lực từ Nghị quyết 23-NQ/TW (30/01/2023, 08:34)

Tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương huy động nguồn lực và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách

Theo đánh giá Bộ Chính trị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, đến nay quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm mô hình nông nghiệp cà chua Nova của Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm

Trong đó, quy mô kinh tế của tỉnh Đắk Lắk đứng đầu vùng Tây Nguyên; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm qua (từ năm 2001 đến năm 2020) đạt 13,8%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đến công tác thu hút và kêu gọi đầu tư các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách. Từ năm 2016 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút được 347 dự án đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký trên 80.000 tỷ đồng.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ,  UBND tỉnh Đắk Đắk sẽ hoàn thành việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù của tỉnh.

Điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành, lĩnh vực kinh tế; tiếp tục dựa vào lợi thế của mình, khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng hiện có, đặc biệt là các ngành còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững dựa trên bốn trụ cột tăng trưởng là: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ, logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy Đắk Lắk sớm trở thành trung tâm vùng. Tập trung giải phóng mặt bằng khởi công đúng tiến độ  tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa thúc đẩy liên kết vùng và phát triển TP Buôn Ma Thuột với vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

"Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước", Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho hay.

Khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh

Ông Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho rằng, Nghị quyết 23 được nhận định sẽ tạo thêm cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ của cả hệ thống chính trị.

Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tạo động lực cho đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên- Ảnh: Hữu Hùng

Cùng với chương trình hành động vừa được Chính phủ ban hành trong đó cụ thể hoá thành 23 nhiệm vụ, 9 dự án đầu tư về hạ tầng kết nối giao thông vùng của Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk xác định khẩn trương xây dựng và triển khai sâu rộng chương trình hành động của tỉnh để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Hoàn thành việc lập, trình, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đảm bảo với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Đắk Lắk đón đoàn khách đầu tiên đến du lịch dịp Tết Nguyên Đán Qúy Mão 2023

Tiếp tục khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng hiện có. Đặc biệt dựa trên 4 trụ cột đó là: Phát triển các sản phẩm nông lâm sản lợi thế quy mô lớn; Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thuỷ sản và năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng thuỷ lợi, phát triển dịch vụ logistic dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên theo kết luận 67 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk) Ảnh : V.T.C

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, tỉnh sẽ quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng tạo không gian thống nhất khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của vùng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống của người dân. Nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Trong thu hút vốn và triển khai thực hiện các dự án chú trọng các giải pháp hữu hiệu quy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội then chốt.

Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk xác định một số khó khăn trong quá trình thực hiện đó là, áp lực cạnh tranh lớn từ quá trình hội nhập kinh tế trên thị trường hàng hoá nông sản. Thứ hai, lực lượng lao động tuy đông nhưng số lao động chất lượng cao chưa nhiều. Vấn đề thứ 3, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo chưa có khả năng tự cân đối ngân sách, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn còn cao …

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready