Đắk Lắk chủ động đưa nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 đến với cơ sở (01/09/2021, 14:13)

Trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở TT&TT tăng cường hỗ trợ các địa phương, cơ sở y tế toàn tỉnh triển khai nhanh các nền tảng công nghệ do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia phát triển. Hiện nay, Tổ công nghệ thông tin (CNTT) phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện đã nhanh chóng tiếp cận, vận hành các nền tảng công nghệ giúp địa phương kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Kích hoạt Tổ CNTT cấp huyện

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay có 07 địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Tổ CNTT phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Huyện Krông Năng, huyện M’Đrắk, thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’Leo, huyện Ea Súp, huyện Krông Bông, huyện Cư Mgar.

Sau khi được thành lập, Tổ CNTT cấp tỉnh đã tuyên truyền, phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, Trung tâm CDC, Sở Y tế tổ chức triển khai tập huấn hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đăng ký các địa điểm kiểm dịch, quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm công cộng, điểm phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm ngày 26/8/2021, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 10.017 địa điểm đã thực hiện tạo mã QR, với 203.813 số lượt quét mã, tăng gấp nhiều lần so với trước khi mới thành lập Tổ CNTT.

Người dân khai báo y tế điện tử tại chốt cầu 110, huyện Ea H’Leo

Bên cạnh đó, Tổ CNTT cấp tỉnh đã thực hiện tiếp nhận 194 tài khoản (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để đăng nhập vào trang quanly.bluezone.gov.vn từ nền tảng do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia trang bị. Đến nay, đã có 29 phản ánh của người dân trong tỉnh được gửi lên hệ thống, trong đó có 10 phản ánh liên quan đến tình trạng vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với Hệ thống khai báo y tế điện tử định danh khuôn mặt tại các chốt Kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đang duy trì hoạt động liên tục, hiệu quả. Thống kê đến nay đã kiểm soát được 12.998 người khai báo, kiểm soát được 6.780 lượt phương tiện lưu thông qua chốt, phục vụ cho nhu cầu truy vết của Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19  các cấp.

Ông Huỳnh Duy Việt- Phó Trưởng Phòng VH-TT, Tổ phó Tổ CNTT huyện Krông Năng cho biết, huyện đã thành lập 3 nhóm trực tiếp hỗ trợ tập huấn cho lãnh đạo xã, cán bộ văn hóa xã, bí thư đoàn xã để trực tiếp triển khai cho người dân cài đặt ứng dụng Bluzone và đăng kí tiêm chủng trên app hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Tổ CNTT đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho ngành y tế huyện áp dụng các nền tảng tiêm chủng, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm điện tử sau khi trung tâm y tế có thành lập các điểm test nhanh.

Triển khai nền tảng xét nghiệm điện tử

Để phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Tổ CNTT tỉnh phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử và Nền tảng hỗ trợ truy vết điện tử cho hơn 200 cán bộ, nhân viên thuộc Sở Y tế, đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng lấy mẫu xét nghiệm và truy vết COVID-19 trên địa bàn tỉnh và các thành viên Tổ công nghệ thông tin các huyện, thị xã, thành phố.

Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm điện tử đang triển khai hiệu quả tại nhiều tỉnh/thành

Về ưu thế của nền tảng này, ông Trần Xuân Tiệp – Trưởng phòng CNNTT –Sở TT&TT Tổ phó Tổ CNTT tỉnh cho biết, theo quy trình trước đây, người dân trước khi được lấy mẫu sẽ điền thông tin vào một biểu mẫu in sẵn để nhân viên y tế nhập thông tin từ bản giấy đó vào tệp tin bảng tính (file Excel).Trong điều kiện dùng đồ bảo hộ và găng tay, việc nhập liệu rất khó khăn và chậm, số liệu được nhập vào file Excel rất khó thống kê vì không liên kết với các hệ thống khác, chưa kể mỗi nơi có thể nhập liệu khác nhau. Trong khi đó, thông tin người dân điền trên giấy có thể thiếu và thiếu chính xác, khi nhập liệu vào máy tính, nhân viên y tế đọc chữ người dân cũng dễ sai sót ảnh hưởng đến việc trả kết quả xét nghiệm, gây khó khăn trong việc khoanh vùng, truy vết.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thị sát tại chốt kiểm dịch Cầu 110, huyện Ea Hleo

Để triển khai rộng rãi ứng dụng, Sở đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn hướng dẫn người được lấy mẫu điền phiếu thông tin, đồng thời hướng dẫn cài đặt và khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone (nếu có sử dụng điện thoại thông minh) trước khi đến địa đểm lấy mẫu xét nghiệm PCR (không áp dụng với trường hợp lấy mẫu test nhanh) .

Do đó, người dân khi đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng nên mang theo điện thoại thông minh đã cài đặt Bluezone và khai báo y tế đầy đủ. Tại điểm lấy mẫu xét nghiệm, người dân mở Bluezone để xuất trình mã QR cho nhân viên y tế quét mã. Việc quét mã QR trên ứng dụng Bluezone giúp giảm 50% thời gian chờ đợi khi lấy mẫu xét nghiệm- ông Trần Xuân Tiệp thông tin.

Cũng theo ông Trần Xuân Tiệp, để hỗ trợ các huyện làm chủ nền tảng này, Tổ CNTT tỉnh sẽ tăng cường nhân lực kết nối với các nhóm địa bàn huyện để tạo tài khoản, tập huấn tăng cường năng lực tiếp cận và xây dựng kế hoạch hỗ trợ vận hành cho từng địa phương. Tuy nhiên thách thức lớn cho Đắk Lắk nếu triển khai nền tảng này là một số người dân chưa có điện thoại, chưa cài đặt ứng dụng bắt buộc, do đó phải có nhân lực hỗ trợ “cầm tay chỉ việc”.

Theo ông Ralan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TT&TT, trong giai đoạn ngành y tế tập trung lấy mẫu xét nghiệm nhanh để phát hiện các f0 trong cộng đồng, Bộ TT&TT đang yêu cầu các địa phương tập trung hỗ trợ ngành y tế sử dụng Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử và nền tảng hỗ trợ truy vết với phương châm sự hỗ trợ của giải pháp công nghệ không làm phát sinh công việc cho ngành y tế. Đây là thách thức đối với Tổ CNTT cho nên rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của CDC, ngành y tế và vai trò chủ động linh hoạt của Tổ CNTT ở cấp cơ sở.

Để nền tảng này triển khai tốt tại tỉnh Đắk Lắk, ông Mạc Đình Thắng - Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid 19 Quốc Gia nhấn mạnh, vấn đề phương pháp tổ chức là quan trọng nhất, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất cơ bản, sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc tổ chức tại nơi lấy mẫu như UBND phường/xã, Đoàn thanh niên, Tình nguyện viên, hỗ trợ người dân cài đặt bluezone trước, trong khi lấy mẫu. Bên cạnh đó, địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giải thích những thuận lợi, làm rõ để cán bộ xét nghiệm thấy hiệu quả của áp dụng nền tảng. Tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của việc sử dụng bluezone khi xét nghiệm và nhận kết quả.

Do đó, Sở TT&TT cần ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, trong đó ưu tiên đến địa phương có nhu cầu áp dụng Nền tảng này trong việc xét nghiệm diện rộng; hỗ trợ kỹ thuật cho CDC, Trung tâm y tế huyện, tình nguyện viên trong giai đoạn đầu để sử dụng thành thạo nền tảng trước khi triển khai. Ngoài các nội dung liên quan như số lượng mẫu xét nghiệm RT-PCR cần lấy, thời gian và địa điểm thì cần quan tâm đến vấn đề về tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa phương trước trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, báo hoặc truyền hình, qua tin nhắn SMS, hoặc trên Zalo,…ông Thắng lưu ý.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready