Đắk Lắk mở rộng mã số vùng trồng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc (01/06/2023, 14:57)

Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.000 ha khoai lang, trồng chủ yếu ở các huyện Lắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng sản lượng toàn tỉnh ước đạt gần 300.000 tấn. Riêng các vùng trồng đã được cấp mã số sang Trung Quốc dự kiến cho sản lượng khoảng 50.000 tấn đã được Đắk Lắk chuẩn bị rất kỹ để xuất khẩu lô những lô khoai lang tươi đầu tiên vào thị trường tỷ dân.

Năm nay giá khoai lang tăng cao nhất từ trước đấy nay giúp các thành viên HTX Nông nghiệp Thành Tín có thu nhập tốt - Ảnh : Minh Qúy

Năm nay, thời tiết thuận lợi cho mùa thu hoạch nên bà con nông dân nơi đây phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá, ít sâu bệnh nên năng suất cao, ước đạt 25-30 tấn/ha. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch khoảng 40% diện tích. Đến giữa tháng 5 này, giá đạt 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Với việc ký kết Nghị định thư với Trung Quốc để mặt hàng này xuất khẩu qua quốc gia tỷ dân đã giúp giá khoai lang tại Đắk Lắk tăng cao hơn mọi năm.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Để tránh việc các chủ mã số đã có tâm lý chủ quan, không quan tâm đến nâng cao chất lượng vùng trồng, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thay đổi thói quen canh tác từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, không nên mở rộng diện tích ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu.

Bộ NN&PTNT đã phân cấp quản lý mã số vùng trồng về cho các địa phương. Theo đó, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phải thực hiện kiểm tra thực tế vùng trồng mỗi năm ít nhất 1 lần. Trong trường hợp chưa đạt yêu cầu, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm, còn phải giám sát số lượng liên quan đến mã số vùng trồng để đảm bảo sản lượng phù hợp với mã số vùng trồng, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của Trung Quốc.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, để mã số vùng trồng thực sự phát huy hết hiệu quả, mỗi nông dân, doanh nghiệp phải minh bạch trong khâu sản xuất.

Thời gian tới, các chương trình tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về những quy định mới cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan đến mã số vùng trồng sẽ được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Nội dung tập huấn sẽ chú trọng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng", phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác đăng ký mã số vùng trồng.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready