Đắk Lắk triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ theo hình thức cuốn chiếu (20/07/2021, 15:51)

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người lao động tự do ở địa phương đang thấp thỏm lo ngại nguy cơ bị mất việc, mong chờ sớm được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ để vượt qua khó khăn. Hiện tỉnh Đắk Lắk đang rà soát thống kê đối tượng, xây dựng kế hoạch để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Người lao động mong chờ chính sách

Thông tin Chính phủ sẽ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng đã làm nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Đắk Lắk vui mừng phấn khởi. Tuy vậy, nhiều người lao động ở địa phương này vẫn đang rất băn khoăn, trăn trở vì đến nay vẫn chưa có thông tin gì cụ thể. Họ cũng chưa rõ khi nào mới nhận được tiền hỗ trợ, lo ngại thủ tục rườm rà, khó khăn, hoặc không được chọn thuộc nhóm đối tượng thụ hưởng.

Người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang mong chờ tiếp cận gói hỗ trợ từ Chính phủ

Ông Trần Tiến (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) nói: "Tôi chạy xe ôm hơn 20 năm mà chưa thấy cái khổ như thế này bao giờ. Thường ngày, tôi chạy xe kiếm được 200-300 nhưng từ khi áp dụng Chỉ thị 15 thì có khi cả sáng chả được đồng nào. Vợ tôi đi làm thuê ở quán nhậu, giờ quán đóng cửa nên tôi phải làm gấp đôi công việc để kiếm tiền nuôi 2 con. Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, giờ phải cố bám trụ để kiếm từng đồng lẻ về lo cho gia đình".

Ông Trần Văn Bích - Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Đông Phương (TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: "Đơn vị có tổng cộng 214 công nhân đang làm việc, ngay khi chính quyền thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 thì họ vấp phải nhiều khó khăn. Hiện, chủ doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì mức lương cơ bản cho họ còn lại thưởng và bồi dưỡng hàng tháng đều cắt hết vì không có nguồn thu. Nhiều người có cuộc sống rất khó khăn. Mong ngóng của duy nhất của cá nhân tôi đó là biết người lao động của đơn vị có nằm trong nhóm đối tượng được hưởng gói 26.000 tỉ đồng hay không. Nếu có thì bản thân sẽ làm hồ sơ gửi ngay để họ sớm nhận tiền thụ hưởng, cố gắng vượt qua khó khăn".

Sẽ chi hỗ trợ theo hình thức cuốn chiếu

Lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, mục tiêu của địa phương đó là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung ) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) tỉnh cũng sẽ triển khai các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà hỗ trợ cho người lao động khó khăn tại Đắk Lắk - Ảnh minh họa

Theo kế hoạch dự kiến UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ chi tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gồm người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; lao động không có giao kết hợp đồng lao động; cho vay vốn đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Mỗi nhóm đối tượng sẽ do một đơn bị phụ trách thực hiện.

Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ tỉnh Đắk Lắk sẽ thành lập Ban giám sát các cấp để giám sát việc thực hiện ngay từ khâu lập danh sách, niêm yết công khai các đối tượng được thụ hưởng chính sách tại cộng đồng dân cư và chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo theo quy định. Các cấp, các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ, không để sai sót trùng lặp đối tượng, kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

"Các sở, ban ngành liên quan định kỳ hàng tháng sẽ báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc phát sinh gửi Sở LĐTBXH tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch, tiền phải đến tay người dân. Hiện việc lập danh sách đang thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Địa phương sẽ chi hỗ trợ theo hình thức cuốn chiếu, với phương châm sẽ hỗ trợ sớm nhất đến người dân, đúng đối tượng", lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 3.300 người lao động ở Đắk Lắk nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Có khoảng 60% trong số đó đang làm việc ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đã trở về địa phương xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ buộc phải trở về địa phương vì tác động lớn của dịch COVID-19, doanh nghiệp chủ quản tạm dừng sản xuất, huỷ hàng loạt các đơn hàng. Số lượng người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm khoảng vài trăm người so với cùng kỳ năm 2020.

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready