Để du lịch Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng (24/06/2020, 15:51)

Trong những năm qua, du lịch Đắk Lắk đã có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, hiện du lịch của địa phương phát triển chưa xứng với tiềm năng, đòi hỏi cần có sự thay đổi mang tính đột phá để phát triển biền vững trong thời gian đến.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH của khu vực và cả nước; là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên cảnh quan thiên thiên hấp dẫn, các giá trị di tích văn hóa, lịch sử... để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch gắn với văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn, tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc thù của địa phương.

Buôn Ako Dhong, thành phố Buôn Ma Thuột

Với di sản thế giới “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, kết hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của 49 dân tộc; các di sản văn hóa nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, mỹ thuật, âm nhạc, tạc tượng... tất cả là điểm thuận lợi để thu hút khách du lịch, đồng thời là lợi thế của địa phương trong quá trình cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực cũng như Việt Nam.

Ngoài những tiềm năng nói trên, Đắk Lắk còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, có khả năng đầu tư, khai thác phát triển du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng với đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ; với 36 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn được ví như “Thủ phủ Cà phê Việt Nam”, là điểm đến của cà phê thế giới, đây là điều kiện để hình thành các sản phẩm cà phê độc đáo hấp dẫn du khách, là động lực không nhỏ để du lịch của tỉnh phát triển trong tương lai.

Cầu treo ở Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, huyện Buôn Đôn

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2016-2020, hoạt động du lịch của tỉnh có chiều hướng phát triển mạnh, đã thu hút được khoảng 4.220.000 lượt khách, đạt 97,53 % kế hoạch, trong đó khách quốc tế ước đạt 389.000 lượt khách, đạt 97,98% kế hoạch; khách trong nước ước đạt 3.831.000 lượt khách, đạt 97,48% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 15,05%. Doanh thu du lịch ước đạt khoảng 4.232 tỷ đồng, bằng 98,42% so với kế hoạch; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,93%. Trên địa bàn tỉnh có 14 dự án đầu tư về du lịch đi vào hoạt động; 10 dự án đầu tư du lịch đang trong quá trình triển khai và có 03 nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ đề xuất 05 dự án thuộc lĩnh vực du lịch...

Tính đến tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú du lịch với 82 khách sạn, 130 nhà khách, nhà nghỉ với hơn 4.550 buồng, có thể phục vụ khoảng 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm; 21 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch; 10 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ; 99 hướng dẫn viên đang hoạt động trên địa bàn...

Bán hàng lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, Buôn Đôn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, những năm qua du lịch Đắk Lắk phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, chưa khẳng định vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế quan trọng và có khả năng mang lại hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội.  Nguyên nhân được ngành du lịch tỉnh nhà chỉ ra đó là xuất phát điểm của kinh tế du lịch còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật các điểm, khu du lịch còn yếu kém; nguồn lực du lịch còn yếu và thiếu, chưa chuyên nghiệp, quy mô kinh doanh nhỏ; việc thu hút du lịch là người nước ngoài còn ở mức độ khiêm tốn; vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc tại chỗ còn hạn chế; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển; công tác quảng bá, tiếp thị, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Cần những khâu đột phá về du lịch

Hiện nay, du lịch Đắk Lắk đang được định hướng trở thành trung tâm liên kết của vùng Tây Nguyên và có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với sự phát triển chưa tương xứng, đòi hỏi đặt ra yêu cầu xây dựng các định hướng phát triển du lịch Đắk Lắk ổn định và bền vững trong điều kiện mới. Việc này đòi hỏi ngành du lịch cần phát huy vai trò là trung tâm vùng Tây Nguyên kết nối tuyến du lịch như: gắn kết chặt chẽ và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh tại các địa phương trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh; đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các tuyến, điểm du lịch, trong đó đẩy mạnh việc xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang; đầu tư và phát triển các tuyến, điểm du lịch gắn với các nước trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, sản phẩm và thị trường khách du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến cho du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động hội nhập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch kết hợp với công tác bảo vệ môi trường du lịch bền vững... qua đó phát triển du lịch bền vững, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại của tình nhà.

Trong thời gian qua, Đắk Lắk thông qua các hoạt động khảo sát, trao đổi thông tin đã ký kết hợp tác với các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn (phía Bắc); Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng (Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên); Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu (Nam Bộ) nhằm thu hút du khách cũng như tăng cường liên kết, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

 

Bá Thăng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready