Bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh (27/06/2022, 10:52)

Tính từ đầu năm đến ngày 23/6/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 682 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 20 ổ dịch, trong đó tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắc, Cư M’gar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk, Ea H’leo và TP. Buôn Ma Thuột.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, chỉ tính riêng trong tuần qua, số ca mắc SXH gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh và tăng hơn 63% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng mạnh nếu người dân không nâng cao ý thức phòng, chống bệnh. Hiện tại các huyện ghi nhận ổ dịch, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi, điều tra, giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) để hạn chế thấp nhất số ca mắc và số ca tử vong do SXH.

Phun thuốc diệt muỗi giúp góp phần phòng chống sốt xuất huyết

Với chu kỳ 3 năm một lần, năm nay được dự báo là năm bệnh SXH diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ngành y tế, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, thị ủy chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch SXH.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. SXH không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Bệnh SXH Dengue thường bắt đầu với triệu chứng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, suy tạng, có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi rút thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các cơ sở y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, nguy cơ tử vong cao.

Thay rửa dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng để phòng chống SXH

Hiện nay thời tiết đang vào mùa mưa - là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước bình bông, chén nước kê chân tủ đựng thức ăn 3 ngày một lần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên (chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...) không cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, khi bản thân, người nhà xuất hiện các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng phác đồ, không tự ý điều trị tại nhà.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready