Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn yêu cầu phát huy vai trò của Chủ tịch UBND huyện trong công tác đê điều (30/06/2020, 08:44)

"Vai trò của Chủ tịch UBND cấp huyện rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, không những chỉ trong giai đoạn ứng phó, mà còn trong cả giai đoạn phòng ngừa và khắc phục hậu quả sau thiên tai".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, trước mắt Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê thực hiện đầy đủ, nghiêm túc 12 nhiệm vụ trong công tác đê điều. Với tư cách là Phó Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện tham mưu cho Bí thư, Ban Thường vụ huyện ủy triển khai và có kế hoạch thực hiện với những nội dung hết sức cụ thể đối với Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí Thư ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện mới chỉ có 8/12 tỉnh có đê có Kế hoạch triển khai Chỉ thị 42. Đến 30/6, đề nghị các tỉnh còn lại phải có kế hoạch triển khai thực hiện gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

10m đê bao Quảng Điền bị vỡ khiến nước sông Krông Ana tràn vào cánh đồng làm ngập diện tích lớn lúa sắp thu hoạch của người dân. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện cần quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, quan tâm xây dựng, củng cố lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh gác tróng đó chú trọng việc phối hợp giữa các đoàn thể và nhân dân đặc biệt là khi có sự cố xảy ra phải kịp thời xử lý ngay giờ đầu. Cấp uỷ, chính quyền cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố có đê quan tâm và có giải pháp chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng". Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong công tác phòng chống thiên tai nói chung và công tác đê điều nói riêng.

Các huyện, thành phố trực thuộc các tỉnh, thành phố có đê cần quan tâm đến công tác xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu gắn với công tác bảo vệ đê điều đồng thời phối hợp với lực lượng công an cấp huyện làm tốt vấn đề này. Chủ tịch UBND cấp huyện phải là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất đối với các vấn đề liên quan đến công tác đê điều trên địa bàn.

Ngoài ra, các huyện phải rà soát, kiểm tra, xác định rõ các tuyến, điểm đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn, cần gia cố, tu bổ để kịp thời có phương án xử lý ngay hoặc xây dựng kế hoạch tổng thể, cụ thể để thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân. Chủ động dùng ngân sách cấp huyện để đảm bảo các công tác liên quan đến đê điều. Trong trường hợp phát sinh, vượt thẩm quyền, Chủ tịch UBND huyện kiến nghị, trình cấp tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật với mục tiêu xây dựng tuyến đê, điểm đê mang tính an toàn cao và thẩm mỹ, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai.

Theo Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành, tại Việt Nam, bão lũ cũng làm ảnh hưởng, gây ra nhiều thiệt hại đến công trình đê điều: Triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8/2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; mưa lớn trên 300mm tại Tây Nguyên, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, làm vỡ đê bao Quảng Điền (tỉnh Đắk Lắk); lũ lớn (trên BĐIII 1m) trong tháng 9/2019 trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị,…

Hiện trên hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại 230 trọng điểm xung yếu; 399km đê còn thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu; tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế do nhận thức của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương một số nơi đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều còn hạn chế.

Những nhiệm vụ trọng tâm mà Chủ tịch UBND cấp huyện cần tập trung quan tâm, chỉ đạo như: Các hoạt động kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và  Tìm kiếm cứu nạn  cấp huyện. Phân công, phân nhiệm cho các thành viên tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân; Kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn các công trình phòng, chống thiên tai và cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai. Nhất là đảm bảo an toàn cho 9.078km đê, hàng nghìn kè, cống; trong đó 2.726km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt với 230 trọng điểm đê điều xung yếu; xử lý 7.402vụ vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng và ngăn chặn tình trạng tái diễn, vi phạm mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019; Xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả đảm bảo sớm ổn định đời sống sản xuất và tái thiết sau thiên tai.

Ông Vũ Xuân Thành nhận xét: Nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thuỷ lợi lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều; các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định.   

Trên thực tế, tình hình vi phạm pháp luật đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. Tổng số vi phạm từ năm 2011 đến 5/2020 đã xảy ra 10.678 vụ, giải tỏa, xử lý được 3.276 vụ, còn tồn đọng 7.402 vụ. Trong 5 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 126 vụ, giải tỏa, xử lý được 55 vụ, còn tồn đọng 71 vụ.    

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready