Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” (27/07/2021, 10:35)

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội nói chung và lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Địa chỉ đỏ trong giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng

Bến vượt sông Sêrêpốk, một trong những địa chỉ đỏ của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, thuộc địa bàn xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, nằm gần với Đồn Biên phòng Sêrêpốk đóng quân. Năm 2013, Bến vượt sông Sêrêpốk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tại đây, đầu mùa khô năm 1973 đến tháng 5/1975, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 công binh (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đã thi công cầu đường từ đường 19 vào Nam Tây Nguyên, đảm bảo đường ngang hướng đi Buôn Ma Thuột, làm một ngầm cho xe tăng và một cầu nổi cho ô tô, pháo binh hạng nặng, bộ binh vượt sông Sêrêpốk. Ngày đó, cầu nổi có cái tên LPP bắc qua sông Sêrêpốk với chiều dài khoảng 80m làm toàn bộ bằng cách ghép những chiếc thuyền sắt vào nhau, mặt cầu được làm bằng gỗ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc cầu nổi lại được di chuyển đến vị trí khác. Công trình hoàn thành đã đưa các binh đoàn chủ lực, xe tăng, xe cơ giới cấp tập hành tiến về các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau này tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong quá trình xây ngầm, bắc cầu nối hai bờ sông Sêrêpốk, không quân và pháo binh Mỹ, ngụy đánh phá ác liệt khiến 57 chiến sĩ của Trung đoàn 4 công binh và Tiểu đoàn Bộ binh 21 thuộc Sư đoàn 470, đã anh dũng hy sinh

Di tích lịch sử Bến vượt sông Sêrêpốk là nơi giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ chiến sĩ BĐBP

Sau giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đây cũng chứng kiến sự chiến đấu quật cường, đầy anh dũng của cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng trong chiến đấu với bọn Pôn Pốt – Iêng Xari để bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những năm tháng ấy, 14 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Công an vũ trang Đắk Lắk, nay là BĐBP đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Dấu tích lịch sử để lại bên Bến vượt sông Sêrêpốk đến ngày nay là chiếc cọc gỗ nổi trên mặt đất khoảng 20cm. Trong cuốn nhật ký của Anh hùng lao động Đại tá Lê Xuân Bá - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 Công binh (Sư đoàn 470), người trực tiếp chỉ huy bộ đội xây ngầm, làm phà vượt sông Sêrêpốk năm 1973 có viết “Các thế hệ người Việt Nam bây giờ có nghĩa vụ bảo vệ biên giới và tôn tạo chiếc cọc gỗ cà chít còn lại cao hơn mặt đất tự nhiên 20cm, đó là chiếc cọc di tích bến vượt lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mà các thế hệ đi trước đã có công giải phóng đất nước đưa Nam Bắc sum họp một nhà”

Để tưởng nhớ công ơn to lớn đó, nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ đã được xây dựng cạnh Bến vượt sông Sêrêpốk và được Đồn Biên phòng Sêrêpốk bảo vệ và quản lý. Vừa qua, một con đường bê tông trải dài từ bến sông lên đến đường Quốc lộ 14C cũng vừa được hoàn thiện nhằm thuận lợi cho mọi người đến viếng thăm.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk cho biết: “Hầu hết người dân và các đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương mỗi khi đến thăm đơn vị, trước đó đều đến dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại di tích lịch sử và nhà bia ghi danh này”. Để tạo cảnh quan môi trường trong khuôn viên di tích, lực lượng đoàn viên thanh niên đơn vị đã xây dựng 2 công trình thanh niên ở cạnh di tích lịch sử đặc biệt này gồm Vườn cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với hơn 200 cây mít và Vườn cây thanh niên với hơn 100 cây quýt. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ, được tận tay trồng từng cây xanh và đều đặn dọn dẹp, chỉnh trang lại khuôn viên nhà bia ghi danh cho sạch đẹp, gọn gàng hơn là việc làm cụ thể để thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay.

Những hành động, việc làm thiết thực

Chúng tôi có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Liễu tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp những ngày đầu tháng 7, cùng đi có cán bộ chiến sĩ và quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê. Mẹ Liễu năm nay đã 99 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm. Thời gian gần đây, sức khỏe của Mẹ dần kém đi theo tuổi tác, cũng vì thế quân y Đồn Biên phòng cũng thường xuyên lui tới thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho Mẹ. Thượng tá Lê Hải Thanh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê cho biết: “Mẹ Liễu có chồng và 1 người con trai là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện, Mẹ sống cùng với gia đình người con trai út. Năm 2016, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời. Mỗi tháng, đơn vị hỗ trợ Mẹ 500.000 đồng; đồng thời thời thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến thăm hỏi, động viên, tặng quà Mẹ nhân dịp lễ, Tết”.

Quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê thường xuyên thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Liễu

Trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 2 Mẹ đều được cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh Đắk Lắk nhận phụng dưỡng và chăm sóc suốt đời. Năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con nhân dân khu vực biên giới, cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đã trực tiếp đến các hộ gia đình gặp gỡ, ân cần thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và trao tặng hơn 60 suất quà giúp các gia đình vượt qua khó khăn trước đại dịch.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đến thăm và tăng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuân sống tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp

Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Thực hiện bằng tất cả sự tin yêu, tình cảm, trách nhiệm của mình, những hoạt động tri ân, hướng về nguồn cội, hướng đến những gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng trong thời gian qua của BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã góp phần động viên, nâng cao cuộc sống của bà con nhân dân trên địa bàn, và cũng giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.

Nguyễn Ngọc Lân

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready