Cải thiện chỉ số PAPI của Đắk Lắk: Hướng mạnh về người dân và chính quyền cơ sở (14/05/2020, 10:30)

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được xem là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Muốn cải thiện chỉ số PAPI, bên cạnh việc duy trì, phát huy những chỉ số đạt điểm cao, Đắk Lắk cần triển khai các giải pháp hướng mạnh về cấp cơ sở để cải thiện những chỉ số còn thấp một cách hiệu quả thực chất và bền vững hơn. Đó là khuyến cáo của các chuyên gia, cơ quan chức năng thực hiện theo dõi chỉ số này trong nhiều năm qua.

Thấy gì ở những chỉ số thấp?

Theo kết quả chỉ số PAPI của tỉnh Đắk Lắk năm 2019 đạt 41,07 điểm, xếp vị trí thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này đánh giá dựa trên 08 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử cấp tỉnh.

Phân tích chỉ số PAPI 2019 của Đắk Lắk (Ảnh: Papi.org.vn)

Trong tất cả nội dung của Chỉ số PAPI năm 2019, tỉnh Đắk Lắk chỉ có 1 nội dung cung ứng dịch vụ công đạt điểm cao nhất 7,44 điểm; 3/8 nội dung đạt nhóm điểm trung bình thấp là tham gia của người dân cấp cơ sở (4,93 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân (4,98 điểm), quản trị môi trường (3,31 điểm). Có 4/8 nội dung đạt nhóm điểm thấp nhất là công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, TTHC và quản trị điện tử.

Như vậy, nếu so sánh chỉ số PAPI 2019 với năm 2018 có thể thấy, có 02 nội dung tăng điểm là kiểm soát tham nhũng (6,17 điểm) và cung ứng dịch vụ công (7,44 điểm). Còn lại các nội dung đều giảm điểm so với năm 2018.

Lãnh đạo tỉnh hỏi thăm người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công

Qua nhiều năm theo dõi, tham mưu cải thiện chỉ số này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, từ chỉ số PAPI năm 2019 có thể cho thấy: Những nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong dịch vụ công đã được người dân ghi nhận và đánh giá cao. Điểm số này phù hợp với những chuyển động của chính quyền trong việc đẩy mạnh đầu tư nguồn lực công nghệ thông tin cũng như làm tốt các giải pháp để xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch. Người dân đã được tiếp cận với dịch vụ công theo lộ trình.

Tuy nhiên, một số nội dung thấp có thể lý giải rằng, ở cấp cơ sở vẫn còn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Người dân chưa hài lòng với nền quản trị hành chính công. Điều này thể hiện ở việc điểm một số chỉ số nội dung như: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Công khai, minh bạch”, “Quản trị môi trường” “Quản trị điện tử” “tham gia người dân ở cấp cơ sở” có xu hướng giảm. Không chỉ riêng Đắk Lắk, điểm trung bình toàn quốc về 2 chỉ số này cũng khá thấp cho thấy đây là mảng quản trị công còn hạn chế.

Cũng theo PAPI 2019, tín hiệu vui là Đắk Lắk có cải thiện và được ghi nhận ở chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực phòng chống tham nhũng của tỉnh, đáp ứng kỳ vọng của người dân đối với chính quyền.

Đánh giá của Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh trong dự thảo Đề án cải thiện PAPI 2019 cũng nhấn mạnh, nguyên nhân Chỉ số PAR Index (chỉ số CCHC) và PAPI của tỉnh Đắk Lắk nằm ở mức thấp do việc thực hiện cải cách hành chính ở các Sở, ban ngành của tỉnh còn có nơi, có lúc chưa thật tốt, việc cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh, thủ tục hành chính phục vụ người dân là công việc hàng ngày diễn ra ở cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh rộng lớn nên khó chỉ đạo, khó kiểm soát. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, phường là yếu tố quyết định tới việc cải thiện chất lượng quản trị và hành chính công chung của tỉnh, do khoảng 70% số lượt thực hiện các thủ tục hành chính của người dân là ở ngay cấp xã, thì nhiều xã, phường chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện hực tế của địa phương mình. Kết quả công bố Chỉ số PAPI trong các năm 2016, 2017, 2018 cho thấy người dân chưa hài lòng với các lĩnh vực mà họ đánh giá, cũng như người dân chưa thực sự hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây có thể là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao Chỉ số PAPI các năm liên tiếp của tỉnh Đắk Lắk ở mức thấp và chưa được cải thiện.

Nâng chất lượng cán bộ, tăng sự đồng thuận từ người dân

Để đánh giá lại thực trạng và làm rõ ảnh hưởng đến Chỉ số PAPI 2019 của tỉnh, đồng thời đề xuất giải pháp cải thiện bền vững, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở đang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2021 gửi các Sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến hoàn thiện.

Theo đó, Đề án hướng đến mục tiêu cụ thể gồm : (1) Cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đắk Lắk thể hiện qua mức tăng điểm Chỉ số PAPI, tăng 20% vào năm 2021 so với năm 2018. (2) Sau khi kết thúc hoạt động can thiệp của đề tài, phấn đấu đưa Chỉ số PAPI của Đắk Lắk nằm trong nhóm tỉnh cao nhất của cả nước trong giai đoạn năm 2022 - 2025. (3) Xây dựng bộ chỉ số đo lường chất lượng quản trị và hành chính công cấp huyện nhằm giúp tỉnh Đắk Lắk có một công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp huyện, từ đó có giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động của huyện trong các năm tiếp theo.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ea Kar.

Tuy nhiên, để cải thiện đồng đều các chỉ số thấp, việc triển khai do UBND tỉnh sẽ đóng vai trò chủ trì phân công rõ trách nhiệm cho Sở, ngành xây dựng giải pháp cải thiện chỉ số liên quan thuộc ngành quản lý. Ví như, Sở Truyền thông và Truyền thông thực hiện cải thiện chính quyền điện tử, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm chỉ số quản trị môi trường, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề môi trường, tạo điều kiện người dân tham gia tiếp cận chính sách đất đai. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương theo hướng rõ hơn trách nhiệm của tập thể cũng như người đứng đầu, cán bộ, công chức thực thi công vụ. Quy định rõ về trách nhiệm giải trình liên đới, phối hợp giữa các cơ quan, các cấp chính quyền để hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thêm nữa, để những nỗ lực của chính quyền các cấp được người dân ghi nhận đúng mực, tỉnh  phải chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền để ngày càng có nhiều người dân biết, hiểu và đồng thuận trong thực thi chính sách, nhằm góp phần cải thiện chỉ số PAPI của Đắk Lắk, ông Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm đồng hành với nhiều tỉnh, thành trong việc cải thiện chỉ số PAPI, Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần nâng cao năng lực giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân. Đặc biệt là chính quyền cơ sở cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân hơn nữa.

Thời gian tới, khi Đề án hỗ trợ cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2021 được tỉnh phê duyệt, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ chủ trì nghiên cứu đánh giá thực trạng cải cách hành chính và nguyên nhân khiến chỉ số PAR index của Đăk Lắk còn thấp; Xây dựng khung phân tích 8 trục nội dung PAPI của Đắk Lắk làm cơ sở khoa học và thực tiễn nhận diện thực trạng hiệu quả quản trị công tỉnh Đắk Lắk.

 Trên cơ sở đó, Đề án đề xuất các giải pháp cải thiện hiệu quả cải cách hành chính và quản trị công, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và văn hoá của Đắk Lắk.  Lựa chọn 04 nội dung từ PAR Index có mức độ tương thích cao với PAPI và có hiệu ứng lan tỏa để nghiên cứu và xây dựng nội dung tập huấn: Cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; Hiện đại hóa hành chính; Cơ chế một cửa và một cửa liên thông; Tư vấn 21 sở, ban, ngành và 15 thành phố, huyện và thị xã, 184 xã, phường, thị trấn của Tỉnh xây dựng kế hoạch và lộ trình cải thiện hiệu quả cải cách hành chính và hiệu quả quản trị cấp xã phường.  Nghiên cứu, khảo sát tại 3 huyện/thành phố thu thập và xử lý dữ liệu để phân tích nội dung chuyên sâu cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công của các xã phường trên địa bàn tỉnh.  Xây dựng bộ chỉ số đo lường chất lượng quản trị và hành chính công cấp huyện nhằm giúp tỉnh Đắk Lắk có một công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp huyện, từ đó có giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động của huyện trong các năm tiếp theo.

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 đã triển khai khảo sát 14.138 công dân Việt Nam, được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành. Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm sáu chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công); và hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử). PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009.

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready