Công bố PAPI 2019: Người dân lo đói nghèo vì không có Bảo hiểm xã hội (04/05/2020, 16:13)

Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 chỉ ra rằng, việc có bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không là một nhân tố dẫn tới quan ngại về đói nghèo của những người tham gia khảo sát.

Đói nghèo vẫn là vấn đề người dân lo nhất

Báo cáo PAPI 2019 vừa được công bố đã lựa chọn ngẫu nhiên và phỏng vấn trực tiếp 14.138 công dân Việt Nam trên 63 tỉnh thành để đo lường hiệu quả các lĩnh vực điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Nghiên cứu PAPI cũng đo lường đánh giá của người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.

Nông dân làm nghề trồng rừng ở M’Đrắk (Ảnh minh họa)

Theo kết quả báo cáo, đây là năm thứ 5 năm liên tiếp, nghèo đói vẫn là vấn đề người dân lo ngại nhất và cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Gần 1/4 số người tham gia khảo sát coi đây là mối lo ngại chính, so với chỉ có 5,05% người trả lời coi tham nhũng là vấn đề lo ngại hàng đầu.

Báo cáo cho thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng “đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019”.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao người dân vẫn lo ngại về đói nghèo; trong khi các khảo sát cũng chỉ ra rằng, đa số người dân cho biết điều kiện kinh tế của gia đình họ đã được cải thiện?

Theo nhóm chuyên gia PAPI, giải thích có sức thuyết phục nhất trong khảo sát năm 2019 là khi so sánh giữa nhóm người có BHXH và không có BHXH. Đây là tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế tất cả các quốc gia.

"BHXH có vai trò bảo vệ cho người lao động khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tỷ lệ người mất việc làm nhiều hơn. Đó là lý do có tới 27% người không có BHXH tham gia khảo sát cho rằng đói nghèo là quan ngại hàng đầu, trong khi chỉ có 18% người thuộc nhóm người có BHXH có chung nhận định này”, các chuyên gia phân tích.

Cũng theo kết quả khảo sát, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào. Đây cũng là lý do quan trọng khiến những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại họ bị rơi vào nghèo đói trong tương lai.

Những người có công việc bấp bênh trong khu vực phi chính thức có xu hướng quan ngại về nghèo đói hơn, do họ ít được hưởng các phúc lợi khác ngoài tiền công lao động.

Chỉ an tâm khi có BHXH cho mai này

Việc không có BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam xảy ra thiên tai, hoặc đại dịch nào đó, những quan ngại tương lai mình sẽ ra sao khi mất việc làm đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng Nhà nước giải quyết vấn đề này nhất.

   

Theo kết quả khảo sát, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào.

“Phát hiện này cho thấy, mối quan ngại về đói nghèo không chỉ bị tác động bởi mức thu nhập, mà còn bởi cảm giác an tâm khi có BHXH cho mai này. Rất có thể những người không có lương hưu từ BHXH quan ngại hơn về mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập hiện có”, báo cáo nhận định.

Trong khi đó, lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm 4 vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.

Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới, khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sự thiếu chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn.

“Các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19,” bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh tại lễ công bố trực tuyến.

Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại là một trong ba nhóm mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI năm 2019, tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt.

Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm năm 2019, cả nước có khoảng 17,6 triệu người là lao động tham gia vào nền kinh tế phi chính thức. Đây là nhóm lao động yếu thế, công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình BHXH nào; đại đa số sống ở khu vực nông thôn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiền lương bình quân tháng của lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng; còn của lao động phi chính thức chỉ được khoảng 4,4 triệu đồng/người/tháng. Thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, lao động phi chính thức còn đối diện với nhiều rủi ro khác, khi 97,9% lao động khu vực này không có BHXH.

Đối với lao động phi chính thức làm công ăn lương (làm thuê hộ gia đình, bán hàng, bảo vệ…), theo rà soát của Tổng cục Thống kê, trong tổng số khoảng 9,6 triệu người hiện có thì có tới 76,7% lao động làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready