Công bố trực tuyến chỉ số PAPI 2019: Đắk Lắk đạt 41,07 điểm (28/04/2020, 16:09)

Ngày 28/4, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các địa chỉ: https://www.facebook.com/papivn, https://www.facebook.com/undpvietnam. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, công chức phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính của các đơn vị.

Các đại biểu dự buổi công bố chỉ số PAPI trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk

Theo tổng hợp kết quả PAPI 2019 của 63 tỉnh, thành phố, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm. Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp.

Hồ sơ PAPI của tỉnh Đắk Lắk từ năm 2011-2019 (Ảnh: Papi.org.vn)

Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm. Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số. Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm, Đắk Lắk đạt 41,07 điểm (trong đó điểm thành phần cao nhất là cung ứng dịch vụ công đạt 7,44 điểm). Bình Định thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là với 40,84 điểm.

Khảo sát  người dân về vấn đề đáng lo ngại nhất năm 2019 (Ảnh: Papi.org.vn)

Theo đánh giá của chuyên gia PAPI 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định.Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt.

Chỉ số PAPI giai đoạn 2011-2019 (Ảnh: Papi.org.vn)

Báo cáo PAPI 2019 cũng cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường – với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song các chuyên gia lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới. Đáng ngạc nhiên, điểm số của lĩnh vực thủ tục hành chính công gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019, dù khu vực doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị điện tử những năm gần đây để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.

Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã có chuyển biến tích cực

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019 được đánh giá là đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể.

Bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh tại lễ công bố trực tuyến “Báo cáo PAPI 2019 nêu bật giá trị trong việc đánh giá các cải cách về quản trị và hành chính công của một thập kỷ và so sánh hiệu quả quản trị đối với các mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững trong đó ghi nhận cải thiện ở hầu hết các lĩnh vực quản trị. Quan trọng hơn, các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất bao gồm nghèo đói và mất việc làm, và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn hồi phục sau dịch COVID-19”. Trong 5 năm qua, nghèo đói luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ đối với gần một phần tư người tham gia khảo sát PAPI. Lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm bốn vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 đã triển khai khảo sát 14.138 công dân Việt Nam, được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành. Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và lăng kính của người dân cung cấp thông tin cho chương trình nghị sự phát triển bền vững của quốc gia và các nhà hoạch định chính sách vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thập kỷ tới cũng như giải quyết khủng hoảng kép về y tế và kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm sáu chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công); và hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử).

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Qua đó thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready