Giải pháp nào để Đắk Lắk phát triển nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh 4.0? (08/09/2020, 08:35)

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Đắk Lắk xác định nhiệm vụ đột phá về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ 4.0. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến nghị,  tỉnh cần thay đổi cơ chế đào tạo và khắc phục những rào cản hiện hữu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, tỉnh phải ưu tiên giải quyết bài toán sinh kế, đánh giá lại chính sách đã thực hiện; đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng tiếp cận ứng dụng công nghệ vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

 Đánh giá lại các chính sách hỗ trợ

Xác định vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản và lâu dài, Đắk Lắk triển khai Nghị Quyết số 24-NQ/TW và ban hành Chương trình số 18 –CCtr/TU về công tác dân tộc trong tình hình mới. Thường trực Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện phát triển kinh tế xã hội thôn, buôn gắn với định canh, định cư; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân tộc thiểu số tại chỗ, trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Trong đó tỉnh thực hiện tốt 03 nhóm chính sách lớn về dân tộc gồm: Kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh để phát huy tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với kế hoạch phát triển chung của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm mô hình HTX Bình Minh tại xã Cư Suê huyện Cư M’Gar

Thống kê từ Ban Dân tộc giai đoạn 1999-2017 Trung ương đã hỗ trợ 1.006 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới xã an toàn khu. Thông qua chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 2% /năm; đã giải quyết đất sản xuất cho 7.737 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất và thiếu đất sản xuất với diện tích 2.775 ha.

Đến nay toàn tỉnh có 6.320 cán bộ, công chức là người DTTS, chiếm 14,28% tổng số cán bộ, công chức  toàn tỉnh. Hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh, huyện được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm kiện toàn xây dựng. Trên địa bàn tỉnh có 100 biên chế  chính thức trực tiếp làm công tác dân tộc và 184 cán bộ bán chuyên trách về công tác dân tộc. 

Thường trực Tỉnh ủy tuyên dương sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao trong học tập

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm. Cán bộ từ tỉnh đến  cơ sở  đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh Đắk Lắk đã cử nhiều con em của cán bộ, gia đình cách mạng là người dân tộc thiểu số đi đào tạo tại các trường, các ngành kinh tế, quân đội, công an,..Số liệu từ Sở LĐTB&XH cho biết, trong 5 năm qua (2016-2020) tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 169.917 lao động, trong đó dân tộc thiểu số là 27.667 người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm và tăng năng suất lao động sau đào tạo đạt 77,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết để ra 44%. Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH đánh giá, chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực yêu cầu có tay nghề cao.

Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo  đối với con em  dân  tộc thiểu số được cấp chính quyền và địa  phương quan  tâm. Hiện nay, chính  sách  bảo tồn ngôn ngữ bản địa  thực hiện song song với phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, giai đoạn 2016 – 2020, cơ sở vật chất trường lớp mầm non, tiểu học thuộc vùng DTTS ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. 100% cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học. Cấp tiểu học đã thực hiện dạy 2 buổi/ngày; dạy tăng thời lượng tiết tiếng Việt. 100% Phòng GD-ĐT tổ chức hoạt động “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS... 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hưng –Trưởng Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, phát triển nhân lực là quá trình tạo ra nguồn nhân lao động khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, đạt trình độ giáo dục cao, được đào tạo về nghề nghiệp, có lối sống tác phong phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.  Do đó, để xây dựng chính sách nhân lực các tỉnh cần đánh giá thuận lợi và khó khăn cho phát triển dân tộc thiểu số có thể xét từ nhiều yếu tố như: Điều kiện tự nhiên, kinh tế đời sống, hình thái cư trú, văn hóa và ngôn ngữ và môi trường sinh thái.

Để tạo nên năng lực của lao động dân tộc thiểu số trong quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội 4.0, bên cạnh những giải pháp đã nêu ra tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh cần quan tâm đánh giá nhóm chính sách tác động trực tiếp tác động đến phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số (chính sách dân số, giáo dục – đào tạo, y tế, cán bộ tri thức dân tộc thiểu số) và chính sách tác động gián tiếp (chính  sách giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường) - PGS.TS Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.

Đổi mới đào tạo “Thể lực- Trí lực- Tâm lực”

Mới đây, tại Hội thảo khoa học phát triển nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0,  PGS.TS Trần Trung – Học viện Dân tộc cho rằng, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là tổng thể số lượng, chất lượng và cơ cấu người dân tộc thiểu số với các tiêu chí về thể lực, trí lực và tâm lực của lực lượng lao động và lao động dự trữ người dân tộc thiểu số. Theo cách hiểu này, phát triển DTTS phải tạo ra tác động nâng cao thể lực, thể chất, trí lực và tâm lực cho đội ngũ này, đồng thời tạo môi trường cho từng cá nhân có thể phát huy tổng thể “Thể lực- Trí lực- Tâm lực”. Do đó, đổi mới giáo dục là khâu căn bản nhất để nâng cao sức đề kháng cho nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (thứ 4 từ phải sang) tham quan Trung tâm Điều khiển hệ thống điện của Công ty Điện lực Đắk Lắk (Ảnh: Thế Hùng)

Xuất phát từ thực tiễn kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, PGS.TS Lê Đức Niêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Nguyên nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thời kỳ 4.0, nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nhân lực dân tộc thiểu số đang đối mặt với yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Do đó, vấn đề cốt lõi trong việc phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số phải đi cùng bài toán về “sinh kế” để thôn, buôn đều biết cách tiếp cận ứng dụng công nghệ vào đời sống giao thương hằng ngày, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và chủ động hội nhập mạnh mẽ. Tuy nhiên để nhân lực vùng dân tộc thiểu số đáp ứng được yêu cầu của khoa học hiện đại, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0. Mỗi địa phương cần nghiên cứu kỹ nhóm dân tộc thiểu số đặc trưng về khía cạnh học vấn, chuyên môn, tập quán, mức sống và sinh kế nào sẽ cải thiện đời sống cho nguồn nhân lực này. –

Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình khởi nghiệp của thanh niên huyện Cư M’Gar

Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định, với một tỉnh có đông thành phần dân tộc như Đắk Lắk thì việc phát triển nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh 4.0 còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng xác định nhiệm vụ trước mắt là đào tạo năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Nhiệm kỳ 2020-2025, để có thể tận dụng cơ hội và ứng phó với những thách thức mà CMCN 4.0 mang lại, tỉnh sẽ tập trung nâng cao dân trí và cải cách trong giáo dục và đào tạo giữ vai trò then chốt. Trong đó, toàn ngành giáo dục phải tăng tính chủ động, sáng tạo cho người học, ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc dạy và học, đổi mới quá trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức sang phát triển năng lực, tự học, tự phát triển. Cơ sở giáo dục và đào tạo phải theo hướng đào tạo nhân lực “Những gì thị trường cần” và chỉ đào tạo “Những gì thị trường sẽ cần”.

Hiện nay, Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh, chủ trì cùng Sở, ngành xây dựng Đề  án sử dụng 100 sinh viên người dân tộc thiểu số tại các  xã  tốt nghiệp các trường đại học có uy tín trong cả nước vào làm công tác chuyên môn tại các xã trong thời  hạn 05 năm.

 Dự thảo Văn kiện Đại hội XVII của tỉnh Đắk Lắk xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tư hệ thống giáo dục và đào tạo, Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ chiếm 22,93% đến năm 2025.  Tỉnh ủy sẽ tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất toàn diện cho đội ngũ cán bộ cấp xã. Bí thư, Chủ tịch xã phải được trang bị kỹ năng lãnh đạo, tiếp cận công nghệ thông tin, khoa học công nghệ.

 

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready