Hệ thống ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Đắk Lắk vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19 (02/07/2020, 10:37)

Các ngân hàng tại Đắk Lắk thực hiện cho vay mới, cho vay lũy kế gần 16.000 khách hàng, tổng nguồn vốn cho vay là 9.557 tỷ đồng.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch Covid -19, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19.

Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn của Vietcombank Đắk Lắk (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Cụ thể, đối với hệ thống BIDV, kể từ 1/4/2020, đối với dư nợ hiện hữu, Ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BIDV sẽ giảm lãi suất cho vay đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập.Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.

Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019. Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Tại Agribank, căn cứ vào khả năng trả nợ và mức độ ảnh hưởng của khách hàng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm (đối với VND), 0,5%/năm (đối với ngoại tệ). Dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

VietinBank dành gần 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm VND và 0,5%-0,7%/năm USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định, vay ưu đãi lãi tri ân... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,25% - 3%/năm so với thông thường.

Tại nhóm các NHTM cổ phần, kể từ ngày 31/3/2020, lãi suất cho vay tại Sacombank đối với tất cả khách hàng đã được điều chỉnh giảm từ 0,5%-1% nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn.

HDBank triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2% tới 4,5%/năm dành cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đặc biệt, Ngân hàng sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; đồng thời miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.

SHB triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như: cho vay lãi suất ưu đãi, ưu đãi phí dịch vụ ngân hàng. Ưu đãi lãi suất vay: giảm lãi suất vay VND tới 3%/năm áp dụng với khoản vay trung, dài hạn và giảm 2,5% áp dụng với khoản vay ngắn hạn; giảm lãi suất vay USD tới 1%/năm áp dụng với khoản vay ngắn hạn;

Bên cạnh đó, miễn phí trả nợ trước hạn đối với khoản vay ngắn hạn; miễn phí ngân hàng điện tử (phí SMS thông báo số dư; phí SMS nhắc nợ tự động; phí chuyển tiền qua Ebanking, bao gồm cả chuyển tiền trong và ngoài hệ thống SHB)…

Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Đắk Lắk có tổng số 8.600 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm. Trong thời gian quan, số lượng doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động trên 532 DN, chủ yếu DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch… phần lớn các DN ngừng hoạt động do chịu ảnh hưởng nhiều của Covid-19. Số lượng DN thành lập mới 732 DN, chủ yếu năng lượng, điện, nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng.

Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề xuất, ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) làm sao cân đối vốn cho DN kinh doanh trong các tháng tiếp theo, các DN như trong nông nghiệp, chăn nuôi rất cần vốn, tạo mọi điều kiện cho DN vay vốn. Đồng thời, ông Tương thống nhất với ý kiến về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thực tế đã có những bước xử lý nhanh, nhất là các DN quen đã làm thì thủ tục đều đã được hỗ trợ rồi, nhưng các doanh nghiệp mới cần có sự hỗ trợ để giải quyết các trở ngại này.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready