Hội nghị của Chính phủ về hoàn thiện và thi hành pháp luật (24/11/2020, 14:40)

Sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật để đánh giá tình hình trong 5 năm qua và đưa ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác này thời gian tới. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh và Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, lãnh đạo Sở, ngành trong tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị  (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp tình hình mới, nhất là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung cao và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các dự án, dự thảo văn bản, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.  Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu.

Công tác rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được đặc biệt quan tâm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng. Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu rà soát, kiểm điểm nhắc nhở các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, 2011 - 2020. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, gắn thi hành pháp luật, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, như: rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, môi trường, đất đai; tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; nghiên cứu, nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, không để thể chế cản trở sự phát triển.

Thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, thì nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030 đưa ra quan điểm phát triển: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời tiếp tục xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready