Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 (22/07/2020, 14:40)

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến “Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020” tới 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu quốc tế với sự tham dự của hơn 1800 đại biểu.

Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Chủ trì điểm cầu Trung ương (Ảnh chụp qua màn hình)

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, ban, ngành tham dự diễn đàn.

Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và quan trọng. Trong thành tích chung đó, Việt Nam có thể tự tin, tự hào khẳng định rằng, ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Điều đó không chỉ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của ta, mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến nay đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới.

Trước tình hình đó, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Trong đó, có 2 quan điểm có ý nghĩa then chốt là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thứ hai là phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu (Ảnh chụp qua màn hình)

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách. Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng...

Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020 gồm Phiên toàn thể và 4 hội thảo chuyên đề về: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam; Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam; Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại Đắk Lắk, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định về phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, Về thủy điện, đã đưa vào vận hành, khai thác bổ sung cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện 3,0 – 3,5 tỷ kWh/năm. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 05 dự án điện mặt trời công suất 190MWp và 01 dự án điện gió công suất 28,8MW đưa vào vận hành thương mại, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 300 triệu kWh. Năm 2020, có 02 dự án điện mặt trời đang triển khai thi công với công suất 740MWp. Trong giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 5.000MW – 7.000MW (chiếm khoảng 26,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo quốc gia) và Đắk Lắk phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên.

Bá Lục

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready