Hội thảo Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (14/09/2022, 16:24)

Sáng 14/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng  thế giới tổ chức Hội thảo thực hiện chương trình và tính bền vững của các công trình nước và vệ sinh dựa trên kết quả (gọi tắt là chương trình WB21).

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các địa phương đã nghe chuyên gia đánh giá hiện trạng các mô hình vận hành (O&M)  của 21 tỉnh/thành. Thống kê đến nay, chương trình đã hỗ trợ hoàn thiện  722 công trình, quản lý vận hành theo 8 mô hình gồm : Trung tâm nước sạch và VSMT tỉnh quản lý, thuê doanh nghiệp, Công ty cấp nước đô thị quản lý, HTX quản lý, Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý; UBND xã giao cộng đồng quản lý; Ban quản lý quản lý công trình công cộng quản lý.

Hầu hết các công trình đã được thiết kế và xây dựng vận hành đúng như dự kiến. Hơn 200 công trình được xác nhận là công trình bền vững sau 2 năm hoạt động. Nguồn nhân lực quản lý vận hành được đào tạo, tuy còn mỏng và chưa bền vững ở các công trình do cộng đồng quản lý.

Ông Lê Hoàng Nam – Vụ trưởng Vụ nguồn nước và Nước sạch Nông thôn, Bộ NN&PTNT phát biểu

Về tài chính, có 12/21 tỉnh chưa có quyết định ban hành giá nước sạch nông thôn, chỉ 2 tỉnh có bù giá nước sạch theo quy định; khoảng 30% công trình có tiền thu rất thấp, chủ yếu là các công trình do xã giao cộng đồng quản lý.

Cán bộ Chương trình WB 21 báo cáo tại Hội thảo

Qua phân tích chấm điểm các mô hình vận hành, các chuyên gia Chương trình WB21 cho rằng, mặc dù quản lý và vận  hành công trình chưa xuất hiện vấn đề trong ngắn hạn, dự báo sau 3-5 năm vận hành sẽ có tác động đến tính bền vững. Kết quả phân tích cho thấy mô hình UBND xã quản lý công trình là rủi ro nhất về bền vững, cần được theo dõi và hỗ trợ sát sao hơn.

Do đó, chuyên gia đề nghị Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng và ban hành khung định mức sản xuất nước sạch nông thôn. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho cấp bù giá nước sạch nông thôn.

Ông Vũ Đức Côn – Phó GĐ Sở NN&PTNT báo cáo kết quả triển khai tại tỉnh Đắk Lắk

Các đơn vị cấp trung ương cần được giao trách nhiệm thanh kiểm tra, giám sát các tỉnh trong việc ký kết, tuân thủ các hợp đồng dịch vụ ký với các đơn vị vận hành, xem xét phê duyệt giá bán nước sạch và cung cấp các khoản bù giá bởi chính quyền địa phương.

Khuyến nghị đối với các UBND tỉnh trong ngắn hạn cần hoàn thành giao công trình cho đơn vị quản lý chương trình WB21 sắp kết thúc; rà soát kiện toàn, chuyển đổi các công trình do UBND xã giao cộng đồng quản lý. Triển khai tổ chức quản lý vận hành theo đúng hướng dẫn và khuyến nghị nêu trong các hướng dẫn thực hiện chương trình. Ưu tiên cao ngân sách cho vận hành và bảo trì cho các công trình cấp nước nông thôn, ban hành giá nước, bù giá nước sạch.

Về dài hạn, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hằng năm cần thể hiện rõ nhiệm vụ duy trì và khai thác công trình nước sạch nông thôn đã được đầu tư. Ban hành Nghị quyết hay quyết định của tỉnh, làm rõ yêu cầu sự tham gia của các cấp chính quyền, thiết lập hệ thống theo dõi giám sát. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của tỉnh cho cấp nước nông thôn; cơ chế thành lập hỗ trợ phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh hoặc cấp huyện làm nhiệm vụ quy hoạch vận hành các công trình.

Sở NN &PTNT Đắk Nông tham gia ý kiến tại Hội thảo

Đối với tỉnh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn đã được bố trí và giải ngân từ năm 2016-2021 là 186.776.500.000 đồng. Tính đến hết năm 2021 số đấu nối đạt được 14.283/14.000 hộ, đạt 102%, hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn.  Chỉ số giải ngân Vệ sinh toàn xã (DLI 1.2): Từ năm 2016 - 2020 số xã đạt Vệ sinh toàn xã là 33/30 xã, đạt 110% kế hoạch cả giai đoạn.  Chỉ số giải ngân DLI 2.1: số hộ gia đình có hệ thống cấp nước bền vững sau hai năm sử dụng từ công trình cấp nước bền vững thực hiện 7.253/5.765 đấu nối, hoàn thành 125% kế hoạch giai đoạn.

 Đối với các chỉ số giải ngân đánh giá tính bền vững của Vệ sinh toàn xã, đánh giá sau 2 năm thực hiện, đến năm 2021 đã thực hiện hoàn thành 13/15 xã vệ sinh toàn xã bền vững, đạt 86%. Việc thực hiện chưa hoàn thành chỉ tiêu này đơn vị đã có báo cáo góp ý giải trình gửi Ban điều phối Chương trình cấp nước nông thôn xem xét chấp thuận, dự kiến hoàn thành đạt kế hoạch toàn giai đoạn.

Hiện nay, tất cả 08 công trình hoàn thành đi vào sử dụng đều do Trung tâm quản lý vận hành, các công trình này điều hoạt động ổn định, công trình hoạt động được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo về chất lượng nước và cấp nước thường xuyên; hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo khu vực vùng III, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các vùng còn lại được tiếp cận chính sách ưu đãi bù giá nước theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ngày 08/10/2014.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn, làm rõ cơ chế tài chính, cách thức thực hiện kiểm đếm kết quả thực hiện trong năm cuối 2022 thực hiện Chương trình. Nguồn vốn để giải ngân cho kết quả kiểm đếm 2022 là phần vốn được ghi trong kế hoạch năm 2023 hay vốn năm 2022 kéo dài để các ngành có hướng tham mưu UBND tỉnh thực hiện đúng quy định. Cần có giải pháp để rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục rút vốn để các tỉnh kịp thời giải ngân nguồn vốn được giao trong năm.

Tại Hội thảo, các địa phương đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động quản lý và duy trì tính bền vững công trình cấp nước; hướng dẫn lập ngân sách và giải ngân năm 2023; một số hoạt động cuối cùng của chương trình năm 2023.

Kim Bảo

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready