Hội thảo khoa học “Phân tán và tích tụ ruộng đất tại Tây Nguyên: Lý luận và thực tiễn” (27/11/2021, 07:47)

Sáng 26/11, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Phân tán và tích tụ ruộng đất tại Tây Nguyên: Lý luận và thực tiễn”. TS. Phạm Xuân Hoàng – Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên chủ trì  Hội thảo.

Tham dự Hội thảo tại đầu cầu Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên có TS. Nguyễn Thành Dũng – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk; TS. Vương Hữu Nhi – Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk; TS. Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và các Sở, ngành.   

Các đại biểu dự Hội thảo điểm cầu Viện KHXH vùng Tây Nguyên

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận gồm: Thực trạng phân tán và tích tụ ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay; Phân tán và tích tụ ruộng đất góc nhìn từ thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cộng đồng tại Krông Bông và huyện Lắk; Thực trạng quản lý đất, rừng tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các giải pháp; Vận dụng lý luận Mác về địa tô trong việc quản lý nhà nước về đất đai ở Việt Nam và Gia Lai trong giai đoạn hiện nay.

TS. Phạm Xuân Hoàng – Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên chủ trì  Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phạm Xuân Hoàng – Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên nhấn mạnh, việc thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành và phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn là yêu cầu khách quan, tất yếu đối với Tây Nguyên.

TS. Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên chia sẻ tại Hội thảo

Do đó, Hội thảo sẽ tập trung đánh giá các nhóm vấn đề như: Quy hoạch quản lý và sử dụng tài nguyên đất của các địa phương vùng Tây Nguyên; các hình thức quản lý và sử dụng ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên; các chủ thể và trò của các chủ thể tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên đất đối với sự tích tụ và phân tán ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên; các mâu thuẫn giữa phân tán và tích tụ ruộng đất hiện nay.

Nhiều tham luận chia sẻ tại Hội thảo đã chỉ ra hai nhóm vấn đề các địa phương cần quan tâm đó là: i) Vấn đề phân tán và tích tụ tập trung ruộng đất do các hộ và các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên chiếm hữu, và sử dụng; ii) Các vấn đề quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường hiện nay: tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa người dân với các công ty nông, lâm nghiệp; tình trạng khiếu kiện về tài sản trên đất qua các hợp đồng khoán; các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả; công tác quản lý đất đai của các công ty nông lâm nghiệp lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai: các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất sai mục đích.

Ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra các hình thức tích tụ ruộng đất chủ yếu như sau: (i) Tích tụ ruộng đất bằng lập trang trại thông qua giao đất, thuê, mua, mượn thừa kế, cho tặng đất đai để phát triển kinh tế trang trại có quy mô từ nhỏ đến lớn; (ii) Tích tụ ruộng đất thông qua dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; (iii) Tích tụ ruộng đất thông qua việc các hộ nông dân tự nguyện góp đất, vốn mua máy lập tổ hợp tác sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm; (iv) tích tụ ruộng đất thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản.

Riêng đối với Tây Nguyên, do đặc thù lịch sử để lại, các yếu tố tác động đến sự phân tán và tích tụ ruộng đất tại Tây Nguyên đang chịu các tác động gồm: Tác động của đường lối, chính sách đến sự phân tán và tích tụ ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên; Thói quen và tập quán trong quản lý và sử dụng ruộng đất của các cộng đồng cư dân, các chủ thể xã hội vùng Tây Nguyên; Tác động từ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên;

Nhiều chuyên gia cho rằng, dự báo xu thế phân tán và tích tụ ruộng đất tại các tỉnh Tây Nguyên trong những năm tiếp theo 3 hướng gồm: xu thế ngắn hạn (trong vòng 5 năm); Xu thế trung hạn (trong vòng 10 năm); Xu thế dài hạn (trong vòng 20 năm). Do đó, các giải pháp giải quyết mâu thuẫn và thúc đẩy sự phân tán hoặc tích tụ ruộng đất tại các địa phương vùng Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững cần phải xem xét, bàn thảo qua 3 nhóm gồm: giải pháp chính sách, giải pháp xã hội, giải pháp kinh tế.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready