Hội thảo khoa học phát triển nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (24/08/2020, 08:10)

Ngày 23/8, Học viện Dân tộc phối hợp với Qũy phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) tổ chức Hội thảo khoa học phát triển nhân lực dân tộc thiểu số trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến kết nối 4 điểm cầu Đại học Thái Nguyên,  Điểm cầu Hà Nội, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên.

Các đại biểu tham dự Hôi thảo tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 20 tham luận tập trung 3 nhóm vấn đề gồm: Mô hình đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đến nhân lực dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0; Phát triển nhân lực dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên trong bối cảnh CMCN4.0.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hưng, Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất giải pháp phát triển nhân lực dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên

 Báo cáo đề dẫn Hội thảo PGS.TS Trần Trung- Học viện Dân tộc nhấn mạnh, nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nhân lực dân tộc thiểu số đang đối mặt với yêu cầu khắt khe của thị trường lao động do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thời kỳ 4.0. Để có thể đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc, vấn đề quan tâm hàng đầu chính là phát triển nhân lực dân tộc thiểu số. Hướng tiếp cận của Đề tài khoa học quốc gia 02/2019 những rào cản đối với phát triển nhân lực dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 (Do Qũy NAFOSTED của Bộ Khoa học Công nghệ tài trợ) nhằm nghiên cứu tổng quan về nhân lực và phát triển nhân lực dân tộc thiểu số, đánh giá lại thực trạng và yếu tố tác động đến việc phát triển nhân lực dân tộc thiểu số ở Việt Nam, qua đó đề xuất chính sách phát triển đội ngũ này trong tương lai. Hướng tiếp cận của đề tài sẽ dựa vào chỉ tiêu đã nêu trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc gắn với cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 mà Việt Nam tham gia. Hội thảo lần này cũng nhằm tham vấn các nhà khoa học giúp Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung hoàn thiện các sản phẩm của đề tài.

PGS.TS Trần Trung- Học viện Dân tộc phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Với mong muốn Đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian tập trung phân tích thực trạng phát triển nhân lực dân thộc thiểu số trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa – xã hội và đánh giá nhân lực ở 3 vấn đề “Thể lực- Tâm lực- Trí lực”; về nhóm giải pháp xây dựng ngân hàng tri thức trực tuyến, đào tạo nhân lực lập trình dữ liệu, phân tích dữ liệu Big Data cho các địa phương; chính sách, mô hình phát triển nhân lực dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn cụ thể, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đại học Thái Nguyên

Được biết, trong khuôn khổ nghiên cứu của Đề tài sẽ có 3 Hội thảo quốc gia về 3 chủ đề được triển khai tại gồm: Hội thảo 1 - Những vấn đề về lí luận và thực tiễn về phát triển nhân lực dân tộc thiểu số tại Việt Nam; Hội thảo 2- Nhận diện những tác động của cuộc CMCN 4.0 đến phát triển nhân lực dân tộc thiểu số tại Việt Nam; Hội thảo 3- xác định những rào cản của phát triển nhân lực dân tộc thiểu số ở Việt Nam bằng dữ liệu điều tra đối với 06 dân tộc thiểu số đại diện được lựa chọn từ Tổng Cục Thống kê, với 4.000 phiếu điều tra tại 09 tỉnh thuộc địa bàn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready