Hội thảo khởi động Dự án “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển sản phẩm” (22/05/2020, 21:47)

Ngày 22/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Qũy Châu Á, Hiệp hội xuất khẩu ngành hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển sản phẩm”. Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp ngành cà phê, hồ tiêu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan Dự án “Hỗ trợ Truy xuất hàng hóa và phát triển xuất khẩu” do Chính phủ Australia tài trợ; tìm hiểu truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại đối với mặt hàng cà phê; hồ tiêu. Giới thiệu ứng dụng truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo.

 Chuyên gia giới thiệu về Dự án “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển sản phẩm”

Được biết, từ năm 2017, trên cơ sở thành công và bài học kinh nghiệm khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cho quả Thanh Long của Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu mở rộng của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hỗ trợ Việt Nam xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc và sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Trong đó 05 nhóm ngành hàng có tiềm năng của Việt Nam được Dự án tài trợ gồm: Cà phê, tiêu, xoài, gốm sứ, hàng mây tre lá. Trên cơ sở của nhóm ngành hàng này, dự án cũng sẽ đề xuất triển khai 13 dòng xuất khẩu nông sản chủ lực thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được triển khai trên 63 tỉnh/ thành trong cả nước.

Chuyên gia giới thiệu ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm Hồ tiêu

 Dự án không giới hạn vùng nhưng ưu tiên cho từng nhóm sản phẩm đặc trưng gắn với từng vùng như: Nhóm mặt hàng cà phê ở Tây Nguyên, Sơn La; Nhóm mặt hàng tiêu ở Tây Nguyên; Nhóm mặt hàng xoài ở vùng đồng bằng sông Mê Kông, Sơn La; Nhóm mặt hàng gốm sứ và mây tre lá của đồng bằng Sông Hồng.

Mọi doanh nghiệp đều được dự án cân nhắc lựa chọn tài trợ tham gia dựa vào tiêu chí sau: Doanh nghiệp có mong muốn truy xuất nguồn gốc sản phẩm chuyên nghiệp hướng đến chuẩn quốc tế, mong muốn mở rộng thị trường; Doanh nghiệp có hợp tác với bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm (như hợp tác với nông dân, cơ sở thu gom, chế biến..); Doanh nghiệp có nhiều lao động và tham gia phát triển thị trường phân phối các nước và xuất khẩu; ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp cam kết tham gia đầy đủ hoạt động dự án; ưu tiên doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Dự án được thực hiện trong năm 2020 và một phần năm 2021 với các hoạt động chính như: Hội thảo giới thiệu tại Miền Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Mê Kông; Rà soát chuỗi liên kết và nhu cầu doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành hàng xây dựng ứng dụng truy xuất và sàn thương mại điện tử; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để nghiên cứu phương án cấp chứng nhận tự động liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ blockchain thuận tiện cho người sử dụng; Xây dựng ứng dụng/ sàn thương mại điện tử ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI; hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật vận hành hệ thống truy xuất và sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại thị trường trong nước và quốc tế…

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready