Hội thảo mô hình sản xuất sạch bệnh, phòng trừ bệnh khảm lá sắn (13/12/2019, 09:29)

 Sau 9 tháng triển khai, ngày 12/12/2019, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn đã tổ chức Hội thảo đầu bờ tại hộ gia đình bà Phạm Thị Lãi – thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn trồng 2ha sắn cao sản KM140.

Hội thảo tại hộ gia đình bà Phạm Thị Lãi – thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình trồng sắn tại hội thảo cho biết; Giống sắn cao sản KM140 là con lai của tổ hợp KM 98-1 và KM 36, có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với giống địa phương đang trồng như: dễ trồng, từ khi trồng đến giờ cây sinh trưởng và phát triển tốt, có thân xanh, cao vừa phải, dạng củ đồng đều, thịt củ trắng, ít nhiễm sâu bệnh, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là vùng đất bạc màu.

Với những ưu điểm vượt trội, sau thời gian triển khai, giống sắn cao sản KM140 tỏ ra rất thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và đến nay đã cho thu hoạch. Mặc dù canh tác trên đất bạc màu, chưa được đầu tư đúng mức, trong quá trình thực hiện gặp phải trời mưa nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành củ và tích lũy tinh bột nhưng theo đánh giá tại hội thảo, năng suất bình quân ước đạt 32 tấn củ tươi/ ha, trừ các khoản chi phí, người nông dân còn lãi gần 30 triệu đồng/ ha, cao hơn từ 15 – 20% so với sản xuất giống sắn đại trà. Đây là dấu hiệu khả quan giúp người nông dân tận dụng tối đa nguồn lực đất đai để vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na đã đánh giá hiệu quả của mô hình: Cho dù thực hiện mô hình trên đất bạc màu, nhiều chổ trũng nước nhưng hiệu quả của nó vượt hơn loại KM 94 cho nên từ giai đoạn này khuyến cáo bà con nông dân trong xã nên trồng loại KM140 vì vừa năng suất vượt trội, chất lượng bột cao hơn, giá cả thị trường dễ bán hơn so với giống KM 94. Qua đó, khuyến cáo cho bà con nông dân dần thay thế giống sắn KM 94 đã bị nhiễm bệnh sang trồng giống sắn KM140 đại trà trong vụ tới.

           Như vậy có thể khẳng định mô hình sắn cao sản KM 140 cho kết quả khả quan, việc trình diễn mô hình ngoài giúp bà con nông dân ứng dụng KHKT, đưa các loại giống mới vào thâm canh thì nó còn có ý nghĩa hơn cả đó là thay thế giống sắn KM 94 đang được trồng đại trà trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Buôn Đôn nói riêng đã thoái hóa, thường nhiễm bệnh chối rồng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Buôn Đôn là huyện trồng sắn trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Năm 2018, toàn huyện có gần 2.000 ha sắn. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân trồng sắn chưa chú trọng việc đầu tư thâm canh, phát triển bền vững, đặc biệt là công tác phòng trừ dịch bệnh, gần như còn rất chủ quan và chưa có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc. Do vậy năm 2018, huyện Buôn Đôn đã có hơn 14 ha sắn bị bệnh khảm lá sắn. Để giúp người dân chủ động phòng trừ bệnh khảm lá sắn, tháng 4/2019, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông Nghiệp Hưng Lộc đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, Trạm khuyến nông huyện Buôn Đôn tổ chức “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng sắn trọng điểm” năm 2019 tại xã Krông Na huyện Buôn Đôn, trên diện tích 10 ha, trồng giống sắn KM140.

Trần Tú Anh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready