Hội thảo tham vấn sản xuất cà phê thông minh, kết hợp phục hồi rừng ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk (29/10/2020, 19:51)

Chiều 29/10, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos) Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức Hội thảo tham vấn sản xuất cà phê thông minh, kết hợp phục hồi rừng ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk. Tham dự Hội thảo có Sở, ban, ngành, các nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu; UBND huyện Lắk, Krông Bông.

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận như: Hiện trạng sản xuất cà phê, mô hình cà phê thông minh đang được thực hiện, những thuận lợi và khó khăn cản trở trong phát triển cà phê thông minh tại Đắk Lắk; Hoạt động trồng thân cây gỗ trong các mô hình cà phê tại huyện Krông Bông và Lắk hướng cải tiến hiện đại; giải pháp hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình cà phê thông minh tích hợp cây thân gỗ phù hợp trong vùng lưu vực sông Sêrêpốk.

Ông Trần Hữu Nghị - Giám đốc Tropenbos phát biểu tại Hội thảo

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hình thái canh tác cà phê chứa yếu thông minh phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên gồm có: Trồng xen cây thân gỗ; Nông lâm kết hợp; Cảnh quan bền vững; Sản xuất bền vững có chứng nhận. Hiện nay trong sản xuất cà phê thông minh xu thế thị trường nghiêng về các sản phẩm cà phê có chứng nhận bền vững. Nhiều nhà rang xay lớn đã cam kết tiêu thụ các loại sản phẩm cà phê có chứng nhận bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê, tích cực tham gia các chương trình sản xuất cà phê bền vững, xây dựng mô hình cà phê cảnh quan cả quy mô nông hộ, cụm nông hộ. Nông dân được tiếp cận ngày càng nhiều với các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và các nguyên tắc sản xuất cà phê bền vững để áp dụng vào trang trại. Một số loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu được đưa vào trồng bên vườn giúp phân bổ các nguồn lực và tài nguyên trước đây từng dành cho cây cà phê, tăng tính bền vững trong sản xuất cà phê.

Chuyên gia nghiên cứu trình bày kết quả mô hình sản xuất cà phê thông minh tại Hội thảo

Đa số các đại biểu nhận định, Đắk Lắk có đầy đủ có yếu tố thuận lợi để thực hiện mô hình nông lâm kết hợp, trong đó có mô hình cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng lưu vực sông Sêrêpốk. Nếu vận dụng khéo léo và phù hợp mô hình nông lâm kết hợp nông dân có thể giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nguy cơ phát thải khí nhà kính, làm tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.  Tuy nhiên, hiện nay phần lớn mô hình nông lâm kết hợp ở tỉnh vẫn đang áp dụng theo tư duy nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Theo tiến sĩ Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững, cần nhìn nhận sản xuất cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng là mô hình nông lâm kết hợp như là một hệ sinh thái mang đặc trưng của rừng và đầy đủ như một kiểu rừng thì sản phẩm nông nghiệp hay lâm nghiệp sản xuất ra mới cho hiệu quả kinh tế cao. Cho nên hiện nay phải tiếp cận cảnh quan xem hệ thống nông lâm kết hợp là xương sống với góc nhìn hệ thống nông nghiệp vùng nông nghiệp là một kiểu rừng. Như vậy nếu vùng sản xuất này có đủ hoặc tiếp cận tính chất rừng thì mọi chứng nhận đều trở nên đơn giản.

Trong bối cảnh ngành cà phê đang hội nhập kinh tế quốc tế, các chuyên gia cũng cho rằng: Sản xuất cà phê thông minh, kết hợp phục hồi rừng ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk sẽ là một trong những giải pháp góp phần khắc phục tình trạng suy thoái tài nguyên rừng hiện nay, tạo cảnh quan bền vững trong phát triển nông nghiệp. Đắk Lắk hiện có khoảng 203.000 hec ta trồng cà phê, trong đó diện tích trồng xen hơn 39.000 ha (chiếm hơn 19%). Trong đề án phát triển cà phê bền vững, Đắk Lắk đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90.000 ha cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hoá diện rộng.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready