Khai mạc Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” (17/05/2022, 14:10)

Chiều 15/5, Bảo tàng Thế giới cà phê đã tổ chức Khai mạc Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt: Tinh hoa truyền thống – Cảm hứng tương lai”.

Lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột và Bảo tàng Thế giới Cà phê tặng hoa nghệ nhân tham gia Triển lãm

Triển lãm có 17 nghề, làng nghề tiêu biểu và 35 nghệ nhân, nghệ sĩ từ ba miền Bắc - Trung - Nam tham gia, với nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo dựa trên những giá trị tinh hoa truyền thống.

Nhà nghiên cứu văn hóa trẻ La Quốc Bảo giới thiệu bộ sưu tập giày Annam Heritage

Đây là sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022 và giúp cộng đồng thấy được sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc, sức sáng tạo bền bỉ của người Việt, đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, những người thợ thủ công.

Du khách tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm

Triển lãm có sự tham gia của nhiều nghệ nhân hàng đầu, hàng chục làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam trải dài ba miền Bắc – Trung - Nam về tơ lụa, gốm sứ, thổ cẩm, đan lát… Tinh hoa truyền thống chính là nguồn cảm hứng dành cho hiện tại và tương lai, giúp thế hệ trẻ tìm tòi sáng tạo.

Du khách tìm hiểu trang phục truyền thống của người Êđê

Với ý nghĩa ấy, Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” mong muốn là cầu nối gắn kết các giá trị truyền thống - hiện đại đến gần nhau hơn; giúp lan tỏa sức sống, truyền cảm hứng sáng tạo đến thế hệ trẻ để tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng mới, có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống, nghệ thuật đương đại cùng ứng dụng công nghệ như: Tranh Đông Hồ & tranh Hàng Trống vẽ lại; Nghệ thuật giấy Trúc chỉ; Nón sen, giày Converse Annam Heritage,...

Họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đến từ Huế giới thiệu bộ sưu tập nón lá sen và một số sản phẩm từ sen

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có trên 5.400 làng nghề, trải dài khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam với khoảng 50 nhóm nghề bao gồm: gốm sứ; mây tre đan; sản phẩm từ cói – lục bình; điêu khắc gỗ; sơn mài; thêu; điêu khắc đá; dệt thủ công; giấy; tranh nghệ thuật; kim khí;….

Du khách tìm hiểu sản phẩm tơ tằm của Làng lụa Cổ Chất- Hà Nội

Những nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, làng nghề thủ công Việt Nam có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và phát triển mạnh từ khoảng thế kỷ 11. Các làng nghề không chỉ tạo lập thành mô hình kinh tế, giúp đời sống, văn hóa xã hội phát triển mà còn giúp những người thợ thủ công sáng tạo hơn, trở thành nơi hội tụ của tinh hoa văn hóa Việt. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, nhiều sản phẩm từ các làng nghề đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và có mặt ở nhiều bảo tàng danh tiếng trên thế giới như: gốm sứ, điêu khắc, sơn mài…

Các nghệ nhân tạc tượng biểu diễn tại Triển lãm

Bên cạnh đó, Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ trẻ, cùng nhiều sản phẩm thủ công độc đáo được sáng tạo, phát triển từ cảm hứng văn hóa truyền thống, như nghệ thuật giấy Trúc chỉ - đỉnh cao của nghệ thuật làm giấy thủ công Việt Nam, duy nhất có trên thế giới… hay sản phẩm từ sen độc đáo, tinh xảo...

Góc trưng bày sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh, Hà Nội

Trong thời gian diễn ra Triển lãm “Vẻ đẹp của làng nghề Việt”, khách tham quan sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công của các làng nghề, nghề truyền thống, như các hoạt động trải nghiệm cách làm gốm của người Mnông; đúc đồng thủ công, đan lát, cách chế tác nhạc cụ…

Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm dân tộc M’Nông –Đắk Lắk

Triển lãm diễn ra từ ngày 15/5 - 15/6/2022.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready