Khảo sát, xây dựng Dự án “Giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ” (23/05/2022, 14:08)

Sáng 23/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát, xây dựng Dự án “Giảm phát thải khí nhà kính tại khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ (gọi tắt là dự án RECAF).

Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn khảo sát Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Xuân Thịnh; đại diện Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cùng các chuyên gia tư vấn, thiết kế Dự án trong nước và quốc tế.

Quang cảnh buổi làm việc

Dự án RECAF sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) với sự tham gia của 5 tỉnh gồm: Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Dự án nhằm nâng cao năng lực trong việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH có lồng ghép kế hoạch REDD+; cải thiện sinh kế cho cộng đồng, đồng thời thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động phát triển chuỗi giá trị không phương hại rừng, cung cấp dịch vụ tín dụng cacbon thấp nhằm giảm tình trạng phá rừng do xâm canh nông nghiệp đồng thời kết hợp bảo vệ rừng; thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng và hướng tới tăng cường lưu trữ cacbon và chuỗi cung ứng không gây mất rừng nhằm bảo tồn rừng kết hợp giảm nghèo bền vững.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Xuân Thịnh phát biểu tại buổi làm việc

Dự án có 3 hợp phần gồm: Thúc đẩy môi trường chính sách và thể chế cho các giải pháp giảm khí thải; Thực hiện các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và nâng cao thích ứng khí hậu; Điều phối, giám sát và quản lý tri thức.

Tại Đắk Lắk, sẽ có 14 xã của 4 huyện là Krông Bông, Ea Kar, Lắk, M’Đrắk tham gia vào dự án. Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án RECAF tại Đắk Lắk khoảng 20,2 triệu USD, trong đó, vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) 6,38 triệu USD; vốn vay ODA 8,5 triệu USD; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 4,35 triệu USD; vốn đóng góp của người hưởng lợi 0,99 triệu USD. Thời gian dự kiến thực hiện Dự án từ năm 2023 – 2029.

Giám đốc Quốc gia văn phòng Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam Francisco Pichon thảo luận tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã đề xuất nhiều ý kiến đóng góp để thúc đẩy tiến độ của dự án, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các, sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo về thời gian, tiến độ xây dựng thiết kế dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định, việc thực hiện các mục tiêu của Dự án RECAF tại Đắk Lắk là hết sức cần thiết và ý nghĩa, góp phần phát huy tối đa lợi ích từ hệ sinh thái rừng thông qua việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao năng lực vận hành hệ thống theo dõi diễn biến rừng cho các cơ quan cấp trung ương và địa phương; tăng thu nhập và việc làm trong ngành nông nghiệp thông qua hợp phần phát triển chuỗi giá trị không phương hại rừng và các đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi làm việc

Đắk Lắk cam kết sẽ đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật, các yêu cầu của nhà tài trợ để thực hiện Dự án RECAF hiệu quả. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Đắk Lắk được triển khai thực hiện dự án đạt kết quả tốt nhất.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready