Khởi động Viet Nam Amazing Cup 2022: Nâng tầm vị thế cà phê đặc sản (12/11/2021, 15:53)

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022( VietNam Amazing Cup 2022)  diễn ra từ ngày 15-2 đến 25-3-2022.  Trong bối cảnh dịch Covid-19, Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch tổ chức có nhiều đổi mới, đồng thời trang bị kỹ năng cho doanh nghiệp, cá nhân trồng và chế biến cà phê đặc sản tham gia cuộc thi.

Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông TRỊNH ĐỨC MINH, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột xoay quanh nội dung này.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

BTV: Thưa ông, Cuộc thi Viet Nam Amazing Cup 2022 đã chính thức được phát động với nhiều nội dung đổi mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 sân chơi cà phê đặc sản đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thích ứng?

Dịch Covid-19 như một “phép thử” đối với doanh nghiệp cà phê nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trong bối cảnh đó, Chúng ta vừa trải qua một thời kỳ khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 và đang bắt đầu giai đoạn thích ứng với bối cảnh mới, tuy nhiên tình hình cũng rất khó lường.

Với trách nhiệm của người tổ chức cuộc thi, chúng tôi vẫn trung thành với ý tưởng ban đầu là biến nó thành cuộc thi hằng năm dù bất kể tình huống nào, quy mô nào, khó khăn nào thì cũng phải tổ chức cuộc thi này. Trên thế giới thích ứng được thì chúng ta cũng thích ứng được, bằng việc đưa ra nhiều điểm mới trong cuộc thi năm nay.

 

Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2021 tuyển chọn những sản phẩm cà phê đặc sản đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ nhất là không tổ chức đánh giá chất lượng tập trung tại một điểm với số lượng người đông mà sẽ tổ chức ở nhiều nơi. Những nơi có các phòng thí nghiệm, có các đơn vị thử nếm chuyên nghiệp được ủy quyền của Hiệp hội Cà phê thế giới thực hiện việc thử nếm cà phê tại Việt Nam, như TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 2 điểm, Hà Nội có 1 điểm. Năm nay sẽ kết nối 3 điểm này để không tập trung đông người. Và những hoạt động thử nếm được truyền trực tuyến, được giám sát của Ban tổ chức, Ban giám sát cũng như của cộng đồng.

Điểm mới thứ hai, các đơn vị sản xuất phải tăng tính chuyên nghiệp và tính trung thực của mình thông qua tự lấy mẫu, tự niêm phong lô hàng. Đồng thời, cuộc thi năm nay sẽ thành lập Ban kỹ thuật độc lập, giúp Ban tổ chức thực hiện đầy đủ, tốt nhất khía cạnh kỹ thuật của cuộc thi. Có thể nói vai trò của Ban kỹ thuật năm nay rất quan trọng, trong suốt quá trình thử nếm đánh giá chất lượng, Ban kỹ thuật phải bám sát để theo dõi nhằm điều chỉnh cho phù hợp…

Để mang tính khách quan, về mặt giám khảo năm nay cũng mới, vì cuộc thi được đánh giá chất lượng ở 3 nơi nên khả năng huy động giám khảo tại chỗ sẽ cao hơn; số lượng thành viên giám khảo trong mỗi phiên thử nếm cho một mẫu tối thiểu 9 người (mỗi địa điểm 3 người), mỗi mẫu có 9 giám khảo thử nếm và điểm trung bình là của 9 giám khảo. Ngoài ra, để tránh những hiểu lầm về sự thiên vị nên năm nay, những giám khảo có mở lớp hoặc trực tiếp tham gia giảng dạy chế biến cà phê đặc sản thì không tham gia vào Ban giám khảo nữa nhằm tăng tính khách quan của cuộc thi.

Sau lễ phát động, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức các khóa đào tạo tập huấn chế biến cà phê đặc sản online nhằm tạo nguồn cho nông dân làm cà phê đặc sản để khối lượng mẫu gửi dự thi nhiều hơn. Đồng thời, tiến hành làm việc rất cụ thể với các điểm tổ chức thử nếm để quy tụ được những đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp, công tâm nhất…

BTV: Trải qua 3 lần tổ chức cuộc thi, số lượng mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản càng tăng, Hiệp Hội đã có sự hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp Việt đưa cà phê đặc sản vươn tầm đến với thị trường quốc tế?

Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ nhất được khởi động vào tháng 10-2018 và kết quả được công bố vào ngày 10-3-2019 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6.

Với Cuộc thi lần thứ nhất và Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam do Bộ NN-PTNT chủ trì đã đánh dấu sự ra đời trên quy mô quốc gia một thời kỳ mới Việt Nam chính thức phát triển cà phê đặc sản và hướng đến tham gia thị trường cà phê đặc sản thế giới.

 Trải qua 3 lần tổ chức cuộc thi, cùng với sự gia tăng mạnh về số lượng mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, sản lượng cà phê đặc sản cũng gia tăng mạnh, đạt trên 110 tấn, tăng 72 tấn so với năm 2019.

Sự thành công của cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam trong mấy năm qua góp phần đặt nền tảng để Việt Nam mạnh dạn hình thành chiến lược phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tầm nhìn và bước đi thích hợp để góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế chất lượng của cà phê Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển Cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là khuôn khổ chính sách quan trọng tạo động lực cho việc phát triển ngành Cà phê đặc sản trên phạm vi quốc gia trong thập niên tới.

Cùng với lộ trình ấy, sự ra đời của Quỹ Phát triển cà phê đặc sản do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thành lập sẽ là kênh hỗ trợ quan trọng cho hoạt động giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản Việt Nam.

BTV: Những năm gần đây, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã kết nối tiêu thụ các sản phẩm cà phê đặc sản trên sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục định hướng chiến lược nâng tầm cà phê đặc sản như thế nào trong, thưa ông?

Theo khảo sát của Hiệp hội thì 40% sản lượng cà phê đặc sản sản xuất ra được tiêu thụ qua các kênh đã thiết lập trước đây giữa các đơn vị sản xuất cà phê nhân với các nhà rang xay truyền thống của họ, còn lại mới bán cho các kênh khác. Và trong suốt nhiều năm, giá cà phê thương mại thông thường xuống thấp, thì làm cà phê đặc sản mang lại thu nhập khá cho các đơn vị sản xuất. Nghĩa là thị trường cà phê đặc sản Việt Nam đã được thiết lập cơ bản và giá trị kinh tế mang lại là rất rõ ràng.

Ban tổ chức trao giải cho các đơn vị ở Đắk Lắk đạt giải Cà phê đặc sản Việt Nam 2021 và phát động cuộc thi năm 2022

Những ngày đầu, khái niệm cà phê đặc sản có thể còn khá mới mẻ, nhưng đến mùa thứ ba của Amazing Cup, “cộng đồng cà phê đặc sản" đã thu hút được khá đông người sản xuất cà phê tham gia. Có rất nhiều giá trị thiết thực từ cuộc thi, trước hết là đối với những nông dân gắn bó với cà phê.

Bởi khi làm cà phê đặc sản, lợi ích kinh tế mang lại tốt hơn vì giá bán cao hơn từ 30 - 40% giá trị quả tươi thông thường, nhất là một số giống cà phê chín muộn, chất lượng cao giá bán còn cao hơn nữa.

Còn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào sân chơi này, khi nguồn cung ứng quả tươi đạt chất lượng tốt thì khối lượng sản xuất ngày một tăng lên, thị trường cà phê đặc sản vì vậy cũng ngày càng được mở rộng, kết nối hiệu quả hơn.

 Đặc biệt, thông qua cuộc thi, cà phê Robusta Việt Nam đạt tiêu chuẩn đặc sản theo thang điểm quốc tế, được những nhà rang xay khó tính ở các nước chấp nhận thì thị trường cà phê quốc tế bắt đầu có sự nhìn nhận khác về chất lượng cà phê của Việt Nam - vốn được coi là cà phê chất lượng thấp.

Năm 2022, đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân có trang trại cà phê hoặc trực tiếp liên kết, hợp tác với nông dân sản xuất, chế biến cà phê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam (kể cả doanh nghiệp nước ngoài). Sản phẩm dự thi là cà phê Robusta hoặc Arabica.

Để trang bị kiến thức cho các đơn vị tham gia, Hiệp hội đã tổ chức tập huấn thí điểm phương pháp chế biến bằng hình thức online tại Cư Suê, Cư M'gar sau mở rộng ra các vùng nguyên liệu khác. Mục đích giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nâng cao năng lực trong chế biến cà phê đặc biệt là cà phê chất lượng cao.

Để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dự thi, chúng tôi tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân tập huấn về các phương pháp chế biến cà phê đặc sản và bảo quản cà phê chất lượng cao. Cách thức kiểm soát quá trình lên men theo điều kiện thời tiết thực tế. Thực hành hái chọn và phân loại cà phê; các phương pháp chế biến ướt; Các phương pháp chế biến Honey; Các phương pháp chế biến Natural giúp nâng cao chất lượng mẫu cà phê tham dự.

Hiện nay, Hiệp hội đã khởi tạo trang web riêng cho cà phê đặc sản Việt  Nam tại tên miền https://caphedacsanvietnam.vn, trang web này hiện đang được Hiệp hội quản lý và hoàn thiện dần về nội dung.   

Hiệp hội nhận được đề xuất của Công ty TNHH XNK Amazing về việc chia sẻ thông tin về các lô hàng dự thi và đạt giải tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” trên nền tảng ứng dụng caphesach.org. Thông qua nền tảng này sẽ giúp cho các đơn vị dự thi hoàn thiện về hình ảnh thương hiệu của đơn vị đơn vị và kết nối với các khách hàng tiềm năng. Các đơn vị tham gia vào nền tảng ứng dụng này được hoàn toàn miễn phí. Hiện ứng dụng này đang được hoàn thiện và sẽ có buổi ra mắt khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 

Trước đó, được sự tài trợ của dự án GIZ, sàn thương mại điện tử Vietspecialtycoffee.com  đã được thành lập và chạy thử nghiệm sau khi có kết quả cuộc thi “cà phê đặc sản Việt Nam 2021”.  Công ty RTA cùng với Hiệp hội đã tạo ra group trên nền tảng ứng dụng zalo để hướng dẫn các đơn vị dự thi tạo tài khoản cũng như các gian hàng riêng trên sàn thương mại điện tử Vietspecialtycoffee.com nhưng đến nay chỉ có 5 đơn vị tham gia dự thi đăng ký mở gian hàng (gồm có HTX Ea Tu, Công ty CP cà phê Phước An; Công ty TNHH Hồ Phượng, Rada Farm, Real Bean Coffee). Hiện sàn thương mại điện tử này đang được công ty RTA quản trị, chưa chia sẻ quyền quản trị với Hiệp hội.

Thời gian tới sẽ hỗ trợ và kết nối tiêu thụ các sản phẩm cà phê đạt đặc sản tại cuộc thi thông qua các kênh giao dịch của Hiệp hội như:  Sàn thương mại điện tử Vietspecialcoffee.com; Caphedacsanvietnam.vn và của đối tác Caphesach.org.

 Xin cám ơn ông!

Kim Bảo thực hiện

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready