Kinh tế tập thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020 và các chính sách hỗ trợ của nhà nước (02/07/2020, 10:40)

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Trung ương khóa IX nêu rõ quan điểm cơ bản cho phát triển mô hình tổ chức hợp tác xã ở nước ta là: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn”. Mục tiêu là “đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế”.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân An (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) tổ chức khai trương cửa hàng thực phẩm sạch tại địa chỉ 02 Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Buôn Ma Thuột).

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của HTX. Đặc biệt, Luật HTX năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX với hạt nhân là “hợp tác”, quy định rõ bản chất của tổ chức HTX, đã tạo ra khung pháp luật cơ bản phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX.

Tại Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, điều đó khẳng định Nghị quyết 13 là một chủ trương đúng đắn đã giúp các HTX từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém.

Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 551 HTX và 4 LHHTX đăng ký hoạt động, ước đến hết năm 2020 có khoảng 590 HTX đăng ký, trong đó khoảng 400 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm gần 70%);Số HTX thành lập mới đạt 27 HTX (đạt 47% Kế hoạch); tổng số vốn điều lệ đạt khoảng 46.553 tỷ đồng (vốn điều lệ bình quân 1 HTX thành lập mới đạt 1.724 tỷ đồng); thu hút gần 800 thành viên mới (bình quân 1 HTX thành lập mới có khoảng 29 thành viên tham gia); lũy kế số thành viên tham gia HTX đến nay đạt khoảng 62.000 thành viên, ước đến hết năm 2020 đạt 64.000 thành viên, tổng số lao động trong HTX khoảng 21.000 lao động, số lao động thường xuyên mới khoảng 1.000 lao động. Tổng số HTX là thành viên đến tháng 6/2020 đạt: 324 HTX (chiếm gần 59% trên tổng số HTX).

Cán bộ Liên minh hợp tác xã tỉnh kiểm tra tài sản hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột)

Bằng nhiều hình thức hoạt động, các tổ chức kinh tế tập thể đã hoạt động hiệu quả đa dạng qua nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần vào ổn định tình hình kinh tế xã hội trong và sau dịch Covid-19. Ở Lĩnh vực nông nghiệp: Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã thành lập mới được 22 HTX nông nghiệp (đạt 73% so với kế hoạch) và giải thể 03 HTX (đạt 6,8% so với kế hoạch). Trong tổng số HTX nông nghiệp hoạt động, có 35 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sấy sản phẩm bằng lò sấy trống, công nghệ chế biến cà phê ướt, công nghệ xay rang, chế biến cà phê ướt….Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Tại thời điểm báo cáo hiện có 55 HTX, chiếm gần 10% số HTX toàn tỉnh; với khoảng 9.000 thành viên, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động. Lĩnh vực thương mại và dịch vụ: Toàn tỉnh hiện có 67 HTX, chiếm khoảng 12% tổng số HTX toàn tỉnh; các HTX thương mại và dịch vụ chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, mua bán các loại hàng hóa nông sản, phân bón, xăng dầu, giết mổ gia súc, dịch vụ du lịch với quy mô nhỏ lẻ; tuy nhiên cũng có HTX trên cơ sở cung ứng dịch vụ, thu mua sản phẩm đã liên minh được với nhiều hộ nông dân sản xuất cà phê bền vững đạt được kết quả cao. Lĩnh vực vận tải: Toàn tỉnh hiện có 55 HTX, chiếm gần 10% số HTX toàn tỉnh, trong đó có 32 HTX và 02 chi nhánh HTX được Sở Giao thông vận tải quản lý, cấp phép kinh doanh vận tải, số HTX còn lại kinh doanh tổng hợp có đăng ký ngành nghề vận tải; thu hút khoảng 13.750 thành viên tham gia, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX được cấp phép quản lý là 630 người. Thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hiện nay có một số lượng lớn các phương tiện xe ô tô tải của các thành viên hợp tác xã (là cá nhân, hộ gia đình có một hoặc hai xe) gia nhập vào hợp tác xã để được cấp phù hiệu và tham gia kinh doanh vận tải theo quy định.

Dịch vụ vận tải công cộng bằng xe Bus luôn được người dân tham gia hưởng ứng

Lĩnh vực xây dựng: Hiện có 27 HTX, chiếm gần 5% tổng số HTX, hầu hết các HTX trong lĩnh vực này đều nhỏ và manh mún, hạn chế về tài chính và năng lực thi công nên các HTX thường chỉ nhận được các công trình xây dựng nhỏ lẻ, hoạt động không liên tục, thu nhập ở mức thấp. Hiện nay chỉ có 02 HTX đảm bảo điều kiện câp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng (HTX xây dựng Anh Tuấn - huyện Lắk và HTX xây dựng Phước Thịnh – huyện Krông Pắk), tuy nhiên, các HTX xây dựng đã tạo được việc làm cho phần nào lao động khu vực nông thôn, tạo lợi thế cạnh tranh trong việc nhận thầu thi công công trình tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên.

 Quỹ tín dụng nhân dân: Quỹ tín dụng nhân dân (12 Quỹ) hiện đang đang hoạt động tương đối ổn định, thu hút khoảng 25.700 thành viên tham gia, giảm 318 thành viên so với đầu năm; tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm; tổng nguồn vốn huy động đạt 1.520 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay ước đạt 1.540 tỷ đồng, nợ xấu 1,96 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay kinh tế tập thể đạt 130 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cuối năm 2019. Quỹ tín dụng đã thực sự trở thành “bà đỡ” về vốn sản xuất kinh doanh cho hộ thành viên, góp phần làm giảm tình trạng tín dụng đen trong cộng đồng dân cư.

Hợp tác xã Bơ Đại Hùng vận chuyển hàng vào siêu thị

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX trên địa bàn tỉnh. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của thành viên HTX, đặc biệt là người lao động, một số HTX tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng hóa tồn đọng nhiều, doanh thu giảm sút, cụ thể:  Nhóm HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt chuyên sản xuất rau củ quả, HTX chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản sản xuất nông nghiệp) không tiêu thụ được sản phẩm, giá cả hạ, doanh thu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do các HTX này bình thường đang cung ứng thực phẩm tươi sống trực tiếp cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện và trong dịch Covid-19 đều bị ứ đọng sản phẩm, phải nhờ đến “giải cứu sản phẩm” như dưa hấu, thịt gà, rau xanh…Nhóm HTX thuộc lĩnh vực giao thông vận tải bị ảnh hưởng mạnh nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, 100% HTX dịch vụ vận tải hành khách phải tạm ngừng hoạt động.  Nhóm các HTX thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, xây dựng cũng bị ảnh hưởng không kém, các HTX tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ hoạt động cầm chừng do khó khăn về nguyên liệu, lao động và về tiêu thụ.. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai các hoạt động vẫn còn chưa được thường xuyên, còn lỏng lẻo, một số hoạt động chưa có tính liên kết nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Bản thân HTX còn hạn chế nhiều về mặt thương mại hóa, tài chính, tài sản thế chấp… do đó, gặp không ít khó khăn, bị động, đặc biệt là ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp HTX, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các HTX khó tiếp cận được gói tín dụng này vì không có tài sản thế chấp nên đa số các ngân hàng không giải quyết cho vay vốn.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể, đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay; giảm các loại phí liên quan đến khoản vay, thanh toán và các giao dịch khác. Giãn thời hạn nộp thuế VAT sáu tháng; giảm một năm thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp hơn so với doanh nghiệp và áp dụng dài hạn; giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí trong thời hạn ít nhất một năm; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội sáu tháng/lần...vv

Tại địa phương tỉnh Đắk Lắk, Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với HTX đã được bố trí nguồn kinh phí trong năm 2020 như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng HTX; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách đất đai; chính sách ưu đãi về tín dụng; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho một số sản phẩm đặc trưng của hợp tác xã; công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX mới. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất kinh doanh của HTX, tập trung giải quyết những vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của HTX; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý nhà nước đối với HTX; nghiên cứu, rà soát, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ HTX thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể trong tình hình hiện nay. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và tiêu thụ hàng nông sản; tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.

Hồng Mong

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready