Mô hình cây - con kết hợp của triệu phú nông dân người H'Mông (11/12/2019, 15:03)

Trong nhiều năm nay, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng như áp dụng phương pháp tiến bộ trong trồng trọt và chăn nuôi đã giúp những nông dân người H'Mông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại cổng trời Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Một trong những gương mặt tiêu biểu là ông Sùng Văn Lùng (thôn Ea Lang), rời quê hương Bắc Kạn theo diện di cư tự do từ năm 1997 để đến lập nghiệp tại xã vùng sâu Cư Pui, sau hơn 20 năm nổ lực không ngừng nghỉ trong các hoạt động phát triển kinh tế, từ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập thuộc diện khá giả. Qua trò chuyện, ông Lùng phấn khởi cho biết, nhờ học hỏi cách làm ăn, tiếp cận được với tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, nên trong vài năm trở lại đây cuộc sống của gia đình đã có những bước đổi thay đáng kể. Khi đặt chân đến với vùng đất mới này, cuộc sống hết sức khó khăn khi trước đây chỉ chuyên sản xuất lúa, ngô và cây sắn. Sau nhiều năm không mang lại hiệu quả kinh tế, đến năm 2012, ông mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất rẫy sang trông cà phê kinh doanh kết hợp với nuôi bò thịt và bò chọi. Từ khi áp dụng mô hình trồng cây công nghiệp với chăn nuôi đại gia súc phục vụ nhu cầu của thị trường cũng như đời sống văn hóa truyền thống của bà con nhân dân tại địa phương thì thu nhập của gia đình ông không ngừng tăng lên giúp ổn định cuộc sống, vươn lên khấm khá. Hiện nay gia đình ông với hơn 1.000 cây cà phê đã cho thu hoạch ổn định với mức trung bình mỗi năm khoảng 2,5 tấn cà phê nhân. Trong chuồng luôn duy trì số lượng khoảng 5 đến 6 con bò vỗ béo để lấy thịt và từ 6 đến 8 con bò chọi, riêng bò chọi thì giá trị kinh tế khá cao, sau 2 năm nuôi dưỡng chăm sóc, mỗi con có giá từ 50 đến 70 triệu đồng. Ngoài tự thân vận động học hỏi để thoát nghèo, ông Lùng còn tận tình giúp đỡ nhiều hộ dân trong vùng cách lựa chọn những con giống tốt để chăn nuôi đạt hiệu quả, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát được cảnh khó khăn nghèo đói. Ông Lùng chia sẻ: “Lúc trước, gia đình tôi chỉ trồng lúa và cây lương thực, năng suất thấp, đời sống rất khó khăn. Nhờ chuyển sang mô hình trồng cây lâu năm kết hợp với nuôi bò nên giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo, mỗi năm sau khi trừ chi phí, bình quân lãi hơn 200 triệu đồng”. 

Ông Sùng Văn Lùng chăm sóc đàn bò thương phẩm của gia đình

Còn ông Vàng A Chá  (thôn Ea Uôl) đã thực hiện mô hình cây - con kết hợp nhiều năm qua. Khi đặt chân đến Cư Pui từ năm 2004, vốn liến duy nhất là 2 ha đất triền đồi gần nhà tự khai hoang lấy, chủ yếu trồng ngô lai và sắn, nhưng sau nhiều năm canh tác thì đất đai trở nên bạc màu, năng suất năm sau luôn giảm hơn năm trước, nên cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám mãi. Với ý chí vươn lên trong cuộc sống, năm 2008 ông dành dụm mua được 2 con trâu cái sinh sản, để mang lại thu nhập chính cho gia đình, và sau nhiều năm số trâu đã tăng lên và luôn duy trì số lượng dao động khoảng 10 con. Hiện nay mỗi con trâu trưởng thành có giá hơn 50 triệu đồng, đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình ông. Bên cạnh đó, ông Chá còn chuyển đổi diện tích đất sang trồng dứa đồi mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ 1 ha. Tận dụng một ít đất vùng trũng thấp để trồng cỏ chăn nuôi để giảm công chăm sóc cho đàn gia súc. Với mô hình trồng dứa đồi kết hợp với nuôi trâu cũng đã mang về nguồn thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng/năm. Theo ông Chá thì đây là một mô hình kinh tế vừa tận dụng được quỹ đất, tận dụng được công lao động nhàn rỗi cũng như nguồn thức ăn sẵn có để phát triển mô hình cây - con mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Gia đình có thêm nhiều điều kiện để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cuộc sống sinh hoạt cũng như có thêm nhiều điều kiện để nuôi con ăn học.

Ông Vàng A Chá đang chăm sóc đàn trâu thương phẩm

Hiện nay, nhiều bà con người H'Mông cũng đang mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất sang hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từng bước góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các thôn đồng bào di cư tự do, có thêm nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như nuôi con ăn học, trong đó có nhiều trường hợp điển hình vừa kết hợp trồng các loại cây như tiêu, cà phê, lúa nước và nuôi bò chọi như ông Lý Văn Kinh, Lý Văn Lâu (thôn Ea Uôl); ông Hoàng Văn Kinh (thôn Cư Rang),... với số lượng từ 4 đến 5 con bò chọi, mang lại thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, đã mở ra một hướng đi phát triển kinh tế mới cho bà con nhân dân nơi đây. 

Ông Đinh Bảy, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Pui cho biết: “Trước đây, nông dân ở xã vùng sâu Cư Pui chủ yếu canh tác cây hoa màu theo phương thức truyền thống, năng suất thấp, giá cả bấp bênh, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi phát triển mô hình sản xuất cây - con kết hợp, cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên khấm khá hơn. Hội nông dân xã đang khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này trong tương lai để mang lại hiệu quả kinh tế hơn nữa”. 

Hữu Hiệp

Các tin khác

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready