Một bệnh nhân bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên có diễn biến nặng (25/06/2020, 12:19)

Ngày 24/6, tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh 6 tháng cuối năm 2020, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh - Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện nay Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 6 bệnh nhân bị bệnh bạch hầu, trong đó có 01 bệnh nhân có diễn biến rất nặng.

Khu vực cách ly, điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên

Theo đó, đến nay Khoa Nhi tổng hợp đã tiếp nhận 17 trường hợp mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu chuyển đến từ tỉnh Đắk Nông. Qua kiểm tra, xét nghiệm đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó đã có 2 trường hợp được điều trị ổn định và xuất viện, 4 trường hợp bị bạch hầu tuýp sinh độc tố, trong đó có một bệnh nhân có diễn biến bệnh rất nặng là cháu Giàng A Phủ, ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Bệnh nhân được bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Nông chuẩn đoán bạch hầu ác tính trong tình trạng rất nguy kịch với dấu hiệu cổ bò, sốt cao liên tục, biến chứng viêm cơ tim. Ngày 22/6, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, bệnh nhân Giàng A Phủ đang trong tình trạng rất nguy kịch và đang được các bác sĩ điều trị tích cực.
Hiện tại bệnh nhân đã được mở khí quản, đặt máy tạo nhịp và điều trị đúng phác đồ. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn thêm với Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhiệt đới và đến tối 23/6, đoàn công tác của Bệnh viện Nhiệt đới đã lên khảo sát và hội chẩn với Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên về ca bệnh này.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh, xảy ra những biến chứng nguy hiểm và dễ gây tử vong, bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua những người lành mang trùng, có những trường hợp không hề tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính hoặc có trong ổ dịch nhưng vẫn mắc bệnh. Để phòng chống bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định. Đồng thời lưu ý, đối với những trường hợp bị bạch hầu tuýp sinh độc tố thì độc tố vẫn có thể tiếp tục âm thầm tấn công bệnh nhân từ tuần thứ 2, thứ 3 hoặc có khi đến 24 - 30 ngày sau bệnh nhân vẫn có thể đột ngột ngưng tim. Do đó, với những trường hợp bệnh nhân mắc bạch hầu tuýp sinh độc tố thì sau khi ra viện vẫn phải tiếp tục theo dõi dài ngày. Trong quá trình thu dung, điều trị những bệnh nhân bạch hầu trong khu vực điều trị nội viện cần phải tiến hành cách ly bệnh nhân theo từng khu vực như khu vực bệnh nhân dương tính, khu vực bệnh nhân nghi ngờ và khu vực bệnh nhân âm tính có triệu chứng nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready