Nâng tầm sức mạnh của đội ngũ trí thức (04/06/2020, 16:10)

Với phương châm con người là nhân tố quyết định, trong những năm qua, Đắk Lắk đã tập trung xây dựng đội ngũ trí thức xứng đáng là nguồn lực quan trọng để phát triển tỉnh nhà.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27 – NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát huy được vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ngày càng thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và nước ngoài.  Trong ảnh: Các chuyên gia Úc tham quan trang trại bơ của Công ty TNHH Trịnh Mười.

Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ngày càng thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Trong ảnh: Các chuyên gia Úc tham quan trang trại bơ của Công ty TNHH Trịnh Mười.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác quản lý nghiên cứu khoa học đã tập trung rà soát, sắp xếp nhằm bố trí hợp lý các đề tài nghiên cứu theo 7 chương trình khoa học công nghệ đặt ra. Công tác triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ được đặc biệt quan tâm, số đề tài ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống đạt khoảng 65% - 70%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy tài năng, trí tuệ trên từng vị trí công tác. Công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm cũng được tăng cường, tạo động lực cho đội ngũ trí thức yên tâm hoạt động, cống hiến, sáng tạo các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bình quân mỗi năm có khoảng 70 đối tượng lập hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ và khoảng 15% trong số đó được công nhận quyền sở sữu trí tuệ đối với sản phẩm đã đăng ký... 

Theo TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật của tỉnh, những năm gần đây, đội ngũ trí thức có xu hướng dịch chuyển về địa bàn nông thôn, tạo được mạng lưới ở cơ sở và tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ trực tiếp đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao dân trí và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đội ngũ trí thức có trình độ cao của tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 15.000 người (124 tiến sĩ, 1.607 thạc sĩ; chức danh Giáo sư 3 người, Phó giáo sư 34 người), trong đó tập trung chủ yếu là lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn với khoảng 11.000 người, chiếm tỷ lệ 74%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức của Đắk Lắk nói chung chưa tương xứng với tiềm năng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Việc triển khai thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Công tác tập hợp trí thức chưa đa dạng, chưa thu hút được đông đảo lực lượng trí thức trong doanh nghiệp, trí thức trẻ. Một bộ phận công chức có trình độ cao còn thiếu tự tin, chưa mạnh dạn đề xuất những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo trong giải quyết nhiệm vụ.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển quy mô, chất lượng của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Đăng Phong.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển quy mô, chất lượng của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí Đăng Phong).

Để phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, TS. Vương Hữu Nhi cho rằng, tỉnh cần có những “kế sách” trong thu hút nhân tài, không chỉ mời gọi được nhân tài mà còn phải làm sao để họ thực sự yên tâm, gắn bó với địa phương. Thêm vào đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh việc đưa công nghệ thông tin đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ của đông đảo người dân; mở rộng giao lưu, hợp tác giữa trí thức của địa phương với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế…

Theo baodaklak.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready