Quốc hội thảo luận, giải trình, tiếp thu các dự án luật (22/05/2020, 07:03)

Ngày 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến đối với các dự án luật gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 Chương, 33 Điều quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, lực lượng Bộ đội Biên phòng; bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Các vị ĐBQH cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn; cần sắp xếp lại các chương, điều và chỉnh lý lại nội dung cho phù hợp, tránh mâu thuẫn, trùng lắp với quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại các luật khác, nhất là Luật Biên giới quốc gia; bổ sung một số quy định về Bộ đội biên phòng trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, kế thừa Pháp lệnh Bộ đội biên phòng và luật hóa các quy định có liên quan đã thực hiện ổn định; bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng…

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 Chương, 219 Điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh. Các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật; cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn nhằm tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh…

Dựa thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 Chương, 79 Điều quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý Nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường...

Ngày mai (22/5), Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận, xem xét các dự thảo Luật theo chương trình đề ra.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready