Quốc hội thảo luận trực tuyến nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (25/10/2021, 07:44)

Ngày 24/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Đáng chú ý, các vị ĐBQH đã dành nhiều thời gian để thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo đó, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn; cần có sự đầu tư trang thiết bị và nên có thí điểm với từng loại án, địa bàn để chỉ đạo triển khai toàn quốc; cần tổ chức đào tạo nhân lực và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về công nghệ thông tin, trang thiết bị liên quan nhằm đảm bảo công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến…

Chánh án TAND cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: Quochoi.vn)

Sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với dự thảo Nghị quyết, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Theo đó, giải trình ý kiến cần thận trọng, chặt chẽ khi đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung về phạm vi, điều kiện áp dụng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm của các tòa án quốc tế, TAND tối cao đã đưa vào Dự thảo các quy chế và sự lựa chọn của Tòa án, cụ thể là ban hành một Thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng nhằm tạo hạ tầng pháp lý cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến. Mặc dù dự thảo Thông tư về việc thực hiện phiên tòa trực tuyến được soạn thảo đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa hoàn thiện và việc hoàn thiện Dự thảo vẫn đang được triển khai một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Về nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, TP. Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã hỗ trợ TAND tối cao để triển khai hình thức xét xử này. Việc triển khai phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai ở các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần được bố trí nguồn lực hợp lý cho việc triển khai nên cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội…

Các ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự Phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, các đại biểu đã phát biểu rất sôi nổi, trách nhiệm, tham gia nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, trong đó đáng chú ý là cơ bản đồng tình với sự cần thiết, phạm vi và cách thức tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và xem xét các báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ để trình Quốc hội xem xét thông qua.   

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready