Quốc hội thảo luận về các dự án Luật và dự thảo Nghị quyết (26/05/2020, 08:02)

Ngày 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến đối với các dự án luật gồm Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quang cảnh phiên họp ngày 25/5 tại điểm cầu Hà Nội

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020). Tại Kỳ họp, các đại biểu cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc để Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án; cần quy định cụ thể về bổ nhiệm lại hòa giải viên; xem xét, quy định rõ mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên; bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường đối với hòa giải viên khi để xảy ra vi phạm trong bảo mật…

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 Chương, 41 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, tổ chức thanh niên, cá nhân và các tổ chức khác đối với thanh niên. Đa số ý kiến thống nhất quan điểm tiếp cận xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cụ thể để thanh niên phát triển toàn diện; nội dung của luật rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là làm rõ được trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên; làm rõ trách nhiệm của thanh niên, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các tổ chức thanh niên, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, gia đình và xã hội… Các đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung thêm một số quy định khung về quyền đặc thù của thanh niên, bảo đảm tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các luật chuyên ngành khác; bổ sung quy định tỷ lệ ngân sách cụ thể để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí cho thanh niên; cần có những đột phá về chính sách đối với thanh niên vì một số chính sách như trong dự thảo còn chung chung, chưa thật cụ thể…

Các đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, nội dung của dự thảo Nghị quyết là kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12, ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016/NQ14, ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12, đến hết ngày 31/12/2025.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, phải xem xét, công khai minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ, quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng được thụ hưởng, tránh sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa; không được để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí đất nông nhiệp; nên nghiên cứu, xem xét đối kỹ đối tượng miễn thuế cho phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế…

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready