Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (28/05/2020, 08:15)

Ngày 27/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (PCXHTE).

Các đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em tảo hôn. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện… dẫn đến việc chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE đã đạt những kết quả quan trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCXHTE được quan tâm; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm PCXHTE được tăng cường; việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh…

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCXHTE chưa được tiến hành thường xuyên; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm PCXHTE ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, PCXHTE nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Thảo luận về nội dung trên, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiến hành điều tra khoa học nhằm thống kê số liệu trẻ em xâm hại trong thời gian qua, bao gồm trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc… để dự báo tình hình xâm hại trẻ em cũng như phục vụ công tác xây dựng chính sách trong giai đoạn tới. Các đại biểu cũng nhận định, hiện nay có nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, do đó, cần kiến nghị các bậc phụ huynh quan tâm, hướng dẫn con em sử dụng mạng an toàn và trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Bộ Công an cần thông tin đầy đủ về thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê phát biểu thảo luận tại Kỳ họp

Các đại biểu cũng nhận định, từ thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng, có những tội phạm tái phạm nhiều lần…do đó, thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như “thiến hoá học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… nhằm răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê cho rằng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm hại trẻ em hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trẻ em còn thiếu thường xuyên và phương pháp còn thiếu linh hoạt; việc đầu tư nguồn lực cho công tác PCXHTE chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đề ra... Do đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm đảm bảo đủ sức răn đe đối với các hành vi xâm hại trẻ em; xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm đối với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu sự quam tâm, chậm tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE; Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại Luật Hôn nhân và Gia đình để Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; các địa phương, đơn vị, gia đình tăng cường công tác giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chăm sóc, bảo vệ con em mình, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready