Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về 2 dự án luật (27/10/2021, 08:40)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Hai, ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.  

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (Ảnh: Quochoi.vn)

Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ cho CSCĐ. Việc xây dựng dự án Luật CSCĐ nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới...

Góp ý về dự án Luật này, các đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định kỹ về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của CSCĐ, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xác định rõ vị trí, chức năng của CSCĐ để có thể hiểu rõ điểm khác biệt của CSCĐ với các lực lượng khác của Công an nhân dân nói chung; cần quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các đơn vị CSCĐ để đảm bảo căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo triển khai CSCĐ phù hợp với quy mô, tính chất của vụ việc; cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về trang bị, phương tiện cho CSCĐ…

Các ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên họp

Trao đổi về dự án Luật CSCĐ, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao về tính cần thiết của việc nâng Pháp lệnh CSCĐ lên thành Luật CSCĐ, qua đó sẽ làm rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ nói riêng và lực lượng Công an nói chung trong trong bối cảnh hiện nay. Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, trong dự thảo Luật có đề cập đến 2 quyền hạn mới của lực lượng CSCĐ là “được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện thiết bị vào cảng và lên tàu bay”, “được trang bị thêm tàu bay, tàu thuỷ để phục vụ nhiệm vụ…”, điều này là phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật các quy định rõ ràng, cụ thể và có sự phối hợp hài hòa giữa các lực lượng để đảm bảo sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong phiên làm việc buổi chiều (26/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều và bãi bỏ 2 điều, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay. 

Tại phiên làm việc, đã có gần 30 ý kiến thảo luận và tranh luận về dự án Luật này, chủ yếu xoay quanh các vấn đề về biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; bổ sung chế tài liên quan đến việc chậm xử lý cấp bằng bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu; bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả, góp phần tạo điều kiện phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn…

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready