Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý các dự án Luật (27/05/2020, 07:50)

Ngày 26/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến đối với các dự án luật, gồm: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Đắk Lắk

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Qua quá trình tổ chức thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và quyết định lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật này sang Kỳ họp thứ 9. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, tập trung vào các nội dung như tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH); tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH…

Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 để nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc quy định tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Trong đó, nghiên cứu cơ chế dành tỉ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu trẻ, đại biểu là người dân tộc, đại biểu nữ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận các dự thảo Luật (Ảnh: Quochoi.vn)

Đối với Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) các đại biểu đã đóng góp, đề xuất ý kiến đối với các vấn đề thuộc chính sách về đầu tư kinh doanh, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện... Góp ý kiến về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đề cập đến dịch vụ đòi nợ trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số các đại biểu thống nhất với phương án cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần phải có sự đánh giá tác động của việc xử lý loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nghiên cứu chính sách bù đắp, hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi chấm dứt hoạt động. Đối với vấn đề đầu tư nước ngoài, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm công bố thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, từ đó tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư thuận lợi hơn, đồng thời quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả hơn; cần bổ sung quy định rõ về nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, song song với nghiên cứu, bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết thì phải thực hiện thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng…

Quốc hội cũng được nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật gồm 16 Chương, 186 Điều, với các điểm mới như: giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; quản lý liên thông các giai đoạn phát triển từ chủ trương, quy hoạch, xây dựng dự án, triển khai thực hiện đến hết vòng đời dự án; lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Ngày mai (27/5), Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Minh Huệ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready