Tạo “Đột phá” cho cải cách hành chính nhiệm kỳ 2020 – 2025: Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân (Kỳ cuối) (22/09/2021, 10:33)

Từ thực tế triển khai và kết quả đánh giá nhiệm kỳ trước, các chuyên gia tư vấn khuyến nghị, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Lắk cần tiếp tục hướng về người dân, doanh nghiệp để cải thiện TTHC. Phải phát huy tính chủ động của chính quyền cơ sở về cung ứng dịch vụ công, lấy chỉ số hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá, bài toán “đột phá” CCHC mới có thể đạt hiệu quả mong muốn.

Người dân chưa phải là trung tâm?

Năm 2020, Viện KHXH Vùng Tây Nguyên đã khảo sát chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tại 45/184 xã, phường, thị trấn. Kết quả, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với dịch vụ hành chính công ở địa phương không đồng đều, có sự khác biệt lớn.

Đội Quản lý hành chính (Công an huyện Ea Súp) đến tận nhà làm căn cước cho người dân ở xã Ia Lốp- Ảnh: Thanh Nga

Các số liệu cho thấy, trên 85% người dân, tổ chức biết đến các quy định TTHC thông qua hướng dẫn trực tiếp từ công chức tiếp nhận kết quả; chỉ có 5% tìm hiểu qua bảng niêm yết công khai tại bộ phận 1 cửa. Các kênh thông tin qua Internet, hệ thống thông tin đại chúng, loa phát thanh… đều chưa được người dân và tổ chức tiếp cận sử dụng.

Riêng tại Đắk Lắk, ghi nhận điều tra cho thấy, chỉ có 19% người dân được hỏi cho biết đã nắm thông tin qua môi trường mạng trực tuyến; 26,43% người dân có biết về dịch vụ công trực tuyến, chủ yếu cũng chỉ ở địa bàn trung tâm. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều lần.

Với từng địa phương thực thi nhiệm vụ CCHC, điều tra cũng cho thấy, chỉ số SIPAS không đồng đều và có sự phân hóa. Trừ số ít địa phương có chỉ số SIPAS ổn định như thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng…, nhiều địa phương gần như “giậm chân tại chỗ” với chỉ số này qua các năm.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện KHXH Vùng Tây Nguyên cho rằng, đây là thông số phản ánh sự thụ động của người dân, tổ chức khi tiếp cận dịch vụ hành chính công; cũng là một nguyên nhân khiến công dân tăng số lần đi lại, ảnh hưởng đến mức độ hài lòng với cơ quan hành chính. Điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của chính đối tượng thụ hưởng CCHC với cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công.

Tiêu chí đầu tư hành động “lấy người dân làm trung tâm” vì thế chưa phát huy hiệu quả trong CCHC tại Đắk Lắk.

Cần cải cách từ cơ sở!

Tiến sĩ Thụy nhìn nhận, để thay đổi được chỉ số SIPAS, cần phải cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công tại đơn vị hành chính cấp xã, là đơn vị hành chính phục vụ trực tiếp người dân.

Thực trạng phải thấy, là mức độ chuyển biến CCHC đang bị ghi nhận theo tình trạng “quyết tâm ở cấp tỉnh, quan tâm ở cấp huyện và tùy hứng ở cấp xã”, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức. Điển hình, là TTHC trong lĩnh vực đất đai, vốn dĩ phức tạp, hầu hết hồ sơ giải quyết đều bị quá hạn, người dân phải đi lại nhiều và không hài lòng về hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai tại cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị hỏi thăm người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Do đó theo Tiến sĩ Thụy, “đột phá” CCHC của Đắk Lắk phải ưu tiên nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, với cơ chế trách nhiệm rõ ràng. Địa bàn trọng tâm của công tác CCHC là cấp cơ sở, thì phải quan tâm đổi mới chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công tại cấp này một cách hiện đại, tiện dụng hơn, như gắn với đẩy mạnh dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Qua thực tế một nhiệm kỳ chọn CCHC là khâu đột phá, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đánh giá, tại đô thị này, bình quân mỗi ngày chính quyền tiếp nhận khoảng 7.000 hồ sơ TTHC, qua nhiều hình thức tiếp cận. Trong đó, các hình thức trực tuyến đang được chú trọng, như hệ thống một cửa điện tử, trang tin điện tử, ứng dụng di động... Vì vây, nếu tăng cường hình thức tiếp cận TTHC trực tuyến tốt hơn từ cơ sở, sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phục vụ của cơ quan Nhà nước, từ đó nâng cao được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

VNPT Đắk Lắk và UBND huyện Krông Năng ký kết hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC Văn Phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, CCHC đòi hỏi các cấp địa phương làm tốt 6 nhiệm vụ với tiêu chí “coi người dân là đối tượng phục vụ, chia sẻ”. Đó là cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, cải cách công vụ, con người thực thi ở chính quyền cơ sở là yếu tố tiên quyết, để đảm bảo có được sự hài lòng của người dân, tạo “đột phá” thực sự.

Chia sẻ về nhiệm vụ đột phá CCHC tại Đại hội XVII của tỉnh, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhìn nhận, thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ từ các cấp ủy Đảng. Nhiệm vụ CCHC cần được giao tại Nghị quyết của Đảng để từng ngành, từng cơ quan, từng địa phương đưa vào chương trình hành động hàng năm với kế hoạch, lộ trình cụ thể. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ CCHC đến tận cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mới tạo được sự lan tỏa ủng hộ của người lao động, người dân và doanh nghiệp.

Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày một sâu sắc, cải cách TTHC và đổi mới dịch vụ công trực tuyến đang là lựa chọn tích cực để các địa phương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Với tỉnh Đắk Lắk, xu hướng ấy càng cần được nghiên cứu kỹ, để đa dạng hóa được nội dung và các hình thức tuyên truyền, thay đổi thói quen công dân khi sử dụng các dịch vụ công. Có như vậy, CCHC địa phương mới thực sự có được “đột phá” để thay đổi và thành công!

Theo công bố chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính năm 2020 của Bộ Nội vụ, tỉnh Đắk Lắk với 83,22 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Điểm thẩm định đạt 54,53%;

- Chỉ số SIPAS (hài lòng về phục vụ hành chính) đạt 7,71%;

- Khảo sát lãnh đạo quản lý đạt 16,98%;

- Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội đạt 4%. 

 

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready