Tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trong nhiệm kỳ 2020-2025 (06/11/2020, 13:12)

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm kỳ 2020-2025, CCHC được tỉnh lựa chọn là khâu đột phá tạo nhằm tạo chuyển biến trong tư duy và hành động của các Sở, ngành,địa phương đem lại sự hài lòng cho người dân tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội Đắk Lắk xứng tầm với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên.

Lấy người dân làm trung tâm

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 18/4/2017 về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và tổ chức tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007 Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Hàng năm, tỉnh đã lựa chọn chủ đề để làm khâu đột phá trong công tác CCHC như: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng nền hành chính phục vụ (năm 2018); sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (năm 2019); năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (năm 2020).

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị thăm Trung tâm Phục vụ hành chính công

Một số nội dung CCHC được đặc biệt quan tâm để thực hiện Chương trình tổng thể CCHC và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/4/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh như: Thực hiện xin lỗi bằng văn bản trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính quá hạn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC; tổ chức họp với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đưa Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh vào hoạt động; thực hiện chữ ký số, chứng thực số trong xử lý, ban hành văn bản; đẩy mạnh cải cách TTHC thuế, kho bạc, hải quan, đất đai, lý lịch tư pháp, hộ tịch; thực hiện hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp Một cửa điện tử liên thông (iGate); triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và một số dịch vụ y tế công, dịch vụ giáo dục công; đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC đối với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ...

Điểm nổi bật đáng kể là tỉnh đã gắn thực hiện công tác CCHC với thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, ghi nhận tầm quan trọng về sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung của địa phương. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của hơn 4.170 người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công. Đã kiểm tra 149 đợt tại 100% Sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và phần lớn UBND cấp xã, tập trung kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị có nhiều giao dịch hành chính liên quan trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột... 

Công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC hướng vào mục tiêu, nội dung Chương trình tổng thể tiếp tục được coi trọng. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền từng giai đoạn và hàng năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật Nhà nước, CCHC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức truyền thông, thông tin tuyên truyền về CCHC tại vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu thông tin; in và phát hành 1000 cuốn “Sổ tay-Kinh nghiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính”; sản xuất 52 chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”; in mới và duy trì 10 cụm pa-nô tuyên truyền; phát video đồ họa thể hiện thông điệp CCHC tỉnh Đắk Lắk tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; tổ chức hơn 15 Hội thi, cuộc thi tìm hiểu nội dung chương trình CCHC…

 Đến nay, công tác CCHC của tỉnh đã hoàn thành 13/16 mục tiêu đề ra của Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 (đạt 81,2%), có 03/16 mục tiêu tiếp tục thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 theo Kế hoạch. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu tương đối hợp lý; 100% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; các văn bản QPPL ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, chất lượng ngày càng cao, cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bộ máy hành chính ở 03 cấp chính quyền đã được kiện toàn và củng cố theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị sự nghiệp thuộc 03 cấp đã thực hiện bố trí, sắp xếp gắn chuyên môn, nghiệp vụ với vị trí việc làm; công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nội vụ, việc cải cách TTHC thường xuyên được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. 50% người dân, tổ chức được khảo sát cho rằng cần tiếp tục đơn giản hóa TTHC và cần phải rút ngắn thời gian thực hiện dịch vụ công. Các đánh giá của Chỉ số PAPI về TTHC của tỉnh, về dịch vụ chứng thực, xác nhận, về dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc nhóm 16 tỉnh thấp nhất nước.

Thống kê cho thấy, từ năm 2016 tới nay, chỉ có 27.036 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 trên tổng số 754.203 hồ sơ được nộp trực tiếp trên hệ thống iGate chiếm tỷ lệ 3,58%. Có 19.261 hồ sơ được nộp, tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên tổng số 754.203 hồ sơ được nộp trực tiếp trên hệ thống iGate chiếm tỷ lệ 2,55%.

Một số nơi vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp và không có thông báo về việc trễ hẹn cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả điều tra sự hài lòng của Bộ Nội vụ cho thấy chỉ có 33,93% người có hồ sơ trễ hẹn trên địa bàn tỉnh nhận được thông báo của cơ quan hành chính nhà nước và chỉ có 19,64% người có hồ sơ trễ hẹn được cơ quan xin lỗi vì trễ hẹn. Do đó, CCHC phải lấy người dân làm trung tâm để cải cách TTHC, dịch vụ công thuận tiện hơn nữa - lãnh đạo Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Cần sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng

Để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC, trong thời gian tới Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho rằng, cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ từ các cấp ủy đảng. Nhiệm vụ CCHC cần phải được giao tại các Nghị quyết của Đảng để từng ngành, từng cơ quan, địa phương đưa vào chương trình công tác hàng năm và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến về nhiệm vụ CCHC, làm cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp tiếp tục nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của công tác CCHC, cải cách TTHC và dịch vụ công trực tuyến đối với quá trình hội nhập và phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng để thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công từ truyền thống sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Người dân giao dịch tại Sở Tư Pháp

Kế hoạch triển khai của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cũng chỉ rõ, mục tiêu cụ thể để cải cách TTHC đạt hiệu quả cao cần tập trung cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Công khai, minh bạch tất cả các TTHC bằng các hình thức thiết thực và thích hợp; duy trì và cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để nhân dân giám sát việc thực hiện. Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động của cần phải đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến để cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Để công tác CCHC được thành công đòi hỏi phải có nguồn lực để đầu tư, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy về thực hiện cải cách TTHC và dịch vụ công trực tuyến.

Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho rằng, để thúc đẩy dịch vụ công cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3 và 4 từ 20% trở lên. Gắn công tác CCHC với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Triển khai Đề án nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn, lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready