Thích ứng biến đổi khí hậu cần sự tham gia của cộng đồng (30/10/2020, 14:58)

Chiều 30/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu có sự tham gia và xây dựng giải pháp ở cấp độ cộng đồng” với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và xây dựng năng lực thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Theo thông tin từ Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam những năm qua diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Trong vòng 50 năm, nhiệt độ trung bình hàng năm tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển cũng thay đổi theo hướng bất lợi qua từng năm. Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn đối với đời sống và sản xuất của người dân, nhất là đối với ngành nông nghiệp.

Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới trình bày tham luận tại Hội thảo

Riêng năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hơn 527.000 hec ta lúa bị thiệt hại, trong đó 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thuỷ sản…

Chuyên gia Trần Nam Thắng chia sẻ về thực trạng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Theo các đại biểu, tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp là không thể tránh khỏi, thay vì ứng phó thì con người cần hướng tới giảm thiểu và thích ứng. Trên cơ sở đánh giá khách quan các ảnh hưởng có hại và lợi dụng những ảnh hưởng có lợi của biến đổi khí hậu để có những giải pháp phù hợp.

Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới cho rằng,  vai trò của cộng đồng là rất quan trọng trong xây dựng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.Về lâu về dài, chúng ta phải thích ứng với nó, chúng ta phải dự báo được các xu thế ví dụ như nhiệt độ tăng, mùa khô dài hơn, mùa mưa ngắn lại và cường độ mưa tăng lên mình phải biết được xu thế của nó. Hơn nữa cần kết hợp kiến thức bản địa với kỹ thuật tiên tiến để giúp đời sống người dân ngày càng thuận lợi hơn và giảm thiểu được những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Cùng với đó chúng ta cần kết hợp với các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên hiện có.

Số liệu nghiên cứu đưa ra tại hội thảo cũng chỉ ra, thời gian qua, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên diễn ra ồ ạt, không kiểm soát được. Đồng thời, việc sử dụng đất không hợp lý đã làm cho diện tích rừng tự nhiên ở đây bị suy giảm về cả diện tích và chất lượng, kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên đất xảy ra ngày càng nhiều. Nhiều nơi ở Tây Nguyên, trong đó vùng lưu vực sông Sêrêpốk thuộc tỉnh Đắk Lắk đã có biểu hiện chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cụ thể là hạn hán vào mùa khô, mưa lũ bất thường vào mùa mưa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sinh hoạt, sản xuất và an ninh lương thực của người dân, gây tác động xấu đến môi trường, làm gia tăng thêm các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng về biến đổi khí hậu ở Việt Nam và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, các đại biểu đã thảo luận nhóm về những thay đổi, biến động về thời tiết, khí hậu cực đoan trong thời gian qua ở từng địa phương và những tác động đến đời sống sản xuất của người dân; giới thiệu, định hướng một số giải pháp chung nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận, liệt kê, chia sẻ các giải pháp ở cấp độ hộ gia đình, cộng đồng trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu với mô hình sinh kế đã lựa chọn của từng xã…

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready