Thông qua cuộc vận động tôi mong muốn góp phần nhỏ bé vào nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng cho địa phương (10/12/2020, 16:02)

Hiện nay, Tây Nguyên có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước với tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Tuy nhiên, những cánh rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hiện đang bị con người xâm hại từng ngày khiến diện tích giảm, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm

Hiện nay, Tây Nguyên có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước với tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Tuy nhiên, những cánh rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hiện đang bị con người xâm hại từng ngày khiến diện tích giảm, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bạn Hồ Ngọc Đô trên bục giảng

Theo số liệu của Chi Cục kiểm lâm vùng IV cuối năm 2019 cho thấy diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, rừng sản xuất và rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên liên tục biến động theo hướng giảm, trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2018, diện tích rừng tự nhiên Tây Nguyên giảm tới 27.466 ha. Chất lượng rừng bị suy thoái mạnh, tỷ lệ rừng giàu còn rất thấp, chỉ khoảng 18,40%, tương ứng với diện tích 406 ngàn ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi. Trước thực trạng rừng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng suy giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng thì việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững là vô cùng cấp bách và cần thiết.

Chứng kiến tình trạng những cánh rừng đang “kêu cứu” từng ngày từng giờ, một giảng viên trẻ hiện đang giảng dạy bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, khoa Luật, Trường Đại học Bình Dương, sau khi được tiếp cận với thông tin của Cuộc vận động Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk văn minh, giàu đẹp, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phát động, đã nghĩ ngay đến việc hiến kế ý tưởng nhằm góp phần ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ những cánh rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ngay tại quê hương của mình. Đó là giảng viên Thạc sĩ Hồ Ngọc Đô, sinh ra và lớn lên tại thôn Tân Thành, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Bạn Hồ Ngọc Đô chia sẻ: “Sau khi tiếp nhận được thông tin về cuộc vận động Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bằng tình yêu quê hương, tình yêu rừng, yêu thiên nhiên tôi đã triển khai ngay ý tưởng hiến kế nhằm bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không chỉ của Đắk Lắk mà còn là của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Từ những tài liệu, những số liệu, những tìm tòi, nghiên cứu, phát hiện trong suốt hai năm bảo vệ luận án thạc sỹ và những trăn trở trước thực trạng những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên hàng ngày bị xâm hại do chính bàn tay con người, là một người nghiên cứu pháp luật tôi muốn góp một phần trí lực của bản thân trong việc bảo vệ, xây dựng và bảo tồn nguồn tài nguyên rừng tại khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Thạc sĩ Hồ Ngọc Đô chia sẻ thêm: “Trong bản hiến kế cho tỉnh mình cũng đã đi sâu bàn luận về các chế tài trong việc xử lý các đối tượng có hành vi tàn phá rừng dựa trên các quy định của Pháp luật hình sự Việt Nam. Với mong muốn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói Tây Nguyên. Tôi muốn dành trọn tâm huyết cho ý tưởng hiến kế này”.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong mục nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định: Quản lý, bảo vệ chặt chẽ và khôi phục, nâng cao chất lượng rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường sinh thái rừng gắn với phát triển du lịch. Chú trọng các giải pháp phát triển rừng nguyên liệu, lâm đặc sản gắn với chế biến. Tăng cường sự tham gia của xã hội đối với bảo vệ, phát triển rừng và chuỗi giá trị lâm nghiệp.

Hy vọng, hiến kế của Thạc sĩ Hồ Ngọc Đô sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới, trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng – một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững./.

Bá Lục (tổng hợp)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready