Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Đắk Lắk cần tập trung vào giải quyết “Chính quyền số- Kinh tế số- Xã hội số” (26/03/2021, 10:57)

Sáng 26/3, tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã có bài phát biểu và yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải xác định chuyển đổi số là một hành trình dài, nhưng bắt đầu từ một bước chân cụ thể. Để tạo dựng niềm tin, chúng ta cần những bước chân khởi đầu mạnh mẽ, dứt khoát. Bộ TT&TT là người bạn đồng hành của mọi cơ quan, tổ chức trên hành trình này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là người bạn đồng hành của mọi cơ quan, tổ chức trên hành trình này. Vì vậy, trong năm 2021 này, Đắk Lắk  ưu tiên tập trung vào giải quyết “Chính quyền số- Kinh tế số- Xã hội số”.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk trích toàn văn bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt, khi nhiều thành tựu công nghệ xuất hiện cùng lúc, có những bước phát triển đột phá, cho phép chúng ta làm được những thứ trước đây chúng ta không thể làm.

 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm Đắk Lắk cần tập trung vào giải quyết khi thực hiện chuyển đổi số

Cách đây độ 15 năm, nếu muốn triển khai ứng dụng CNTT, chúng ta thường phải mất vài năm viết dự án, mua máy chủ, thuê chỗ lưu trữ. Còn hiện nay, điện toán đám mây đã phổ biến, cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, như điện, như nước, muốn là có ngay.
Cách đây độ 10 năm, điện thoại thông minh vẫn là một thứ thiết bị xa xỉ, giờ đã thành bình dân. Chiếc điện thoại thông minh có giá vài triệu đồng hiện nay có năng lực tính toán mạnh gấp hàng trăm lần chiếc siêu máy tính dùng để điều khiển phóng tàu vũ trụ trong quá khứ cách đây 50 năm.
Cách đây độ 8 năm, nhận diện gương mặt, giọng nói, hay trí tuệ nhân tạo, vẫn là thứ được nói nhiều chỉ ở những trường đại học, viện nghiên cứu, ở những tập đoàn công nghệ lớn. Còn hiện nay, một doanh nghiệp mới khởi nghiệp cũng có thể dùng thành thạo, hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cách đây độ 6 năm, chuỗi khối, blockchain, còn lạ lẫm, chỉ được mọi người nghĩ đến như là một loại tiền ảo. Còn hiện nay, blockchain đã được sử dụng để truy xuất nguồn gốc, xác minh văn bản, chứng chỉ, bảo đảm sự tin cậy, theo dõi được sự thay đổi.
Cách đây hơn 1 năm, khi đại dịch Covid ập đến, xã hội giãn cách, chúng ta mới nhận ra rằng các hoạt động trên không gian số có thể giúp cuộc sống diễn ra một cách bình thường, một trạng thái bình thường mới.
Đó chính là chuyển đổi số! Chuyển đổi số chỉ đơn giản là thay đổi cách nghĩ, dùng dữ liệu số và công nghệ số để thay đổi cách làm, để chúng ta có thể làm việc cũ tốt hơn, làm việc cũ theo cách mới, hoặc làm việc mới mà trước đây chưa thể làm được.
Chuyển đổi số có được nhờ sự hội tụ trong cùng một giai đoạn của những công nghệ số đột phá. Chúng ta đang sống trong giai đoạn này, vài chục năm mới có một lần.
Chuyển đổi số là một hành trình, gồm 3 trụ cột chính, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong người dân.
Chuyển đổi số trong có quan nhà nước nhằm phát triển chính quyền số. Chính quyền số có toàn bộ hoạt động trên môi trường số, chủ động cung cấp dịch vụ cá thể hoá theo nhu cầu người dân, đưa ra quyết đinh, ban hành chính sách kịp thời, giải quyết tối ưu việc sử dụng nguồn lực.
Chẳng hạn, thay vì người dân phải tìm đến CQNN khi có nhu cầu thì chính quyền chủ động phục vụ người dân khi thấy họ có nhu cầu, chẳng hạn, trước đây, một em bé khi sinh ra thì phải đi làm thủ tục khai sinh, rồi đến kỳ thì đi tiêm phòng, còn chính phủ số sẽ cấp cho em bé một mã định danh công dân duy nhất khi em bé được sinh ra, chủ động biết em bé khi nào đến kỳ hạn tiêm phòng và chủ động nhắc nhở gia đình em bé về việc này.
Chẳng hạn, thông qua việc phân tích dữ liệu, chính quyền biết đã có bao nhiêu lượt xe đã chạy qua tuyến đường này trong thời gian 3 năm vừa qua, để đưa ra đánh giá về chất lượng thi công tuyến đường này, và đưa ra quyết định cần phải ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến đường này thay vì tuyến đường khác.
Chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số có thể đóng góp giá trị tương đương 1% GRDP của tỉnh.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số. Bên cạnh doanh nghiệp viễn thông, CNTT, kinh tế số còn bao gồm các doanh nghiệp nền tảng số, hay rộng hơn, là các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Kinh tế số còn là việc đưa các hộ gia đình, đưa hàng hoá lên các sàn TMĐT. Kinh tế số còn là việc sử dụng nền tảng để kết nối mỗi hộ gia đình có nhà ở homestay với khách du lịch. Chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số có thể đóng góp giá trị tương đương 20% GRDP của tỉnh.
Chuyển đổi số trong người dân nhằm phát triển xã hội số. Mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang. Người dân có kỹ năng số, có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục .... chuyển đổi số nhằm phát triển xã hội số có thể đóng góp giá trị tương đương 3% GRDP của tỉnh.
Chuyển đổi số là một hành trình dài, nhưng bắt đầu từ một bước chân cụ thể. Để tạo dựng niềm tin, chúng ta cần những bước chân khởi đầu mạnh mẽ, dứt khoát. Vì vậy, trong năm 2021 này, tôi đề xuất Đắk Lắk tập trung vào giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau đây:
1- Chính quyền số chọn điểm đột phá là đưa 100% DVCTT của tỉnh lên mức độ 4 trước 30/6/2021. Đặt mục tiêu 50% DVCTT phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến. Chúng ta có thể làm được việc này. Bến Tre, Tây Ninh là ví dụ.
2- Kinh tế số chọn điểm đột phá là triển nền tảng truy xuất nguồn gốc và nền tảng dữ liệu số cho phép cá thể hoá đến từng cây cà phê, từng bước chuyển dịch từ việc bán cà pha nguyên liệu thô sang bán sự trải nghiệm, bán sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đây là bài toán nhức nhối đã lâu của Tỉnh. Các doanh nghiệp công nghệ số hãy giúp Tỉnh giải quyết.
3- Xã hội số chọn điểm đột phá là triển khai ứng dụng hỗ trợ tư vấn sức khoẻ cho người dân trên thiết bị di động, mỗi người có thể có một bác sĩ riêng tư vấn trực tuyến. Triển khai nền tảng dạy và học trực tuyến để mỗi học sinh có thể học những bài giảng do các thầy cô giáo ưu tú thực hiện, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý.
Hội thảo hãy tập trung chia sẻ, thảo luận, giúp Đắk Lắk việc này. Chúng ta đang trong giai đoạn đặc biệt, việc nắm bắt hay bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm hay không quyết tâm, dám làm hay không dám làm của Tỉnh.
Chuyển đổi số là một hành trình dài, vì vậy, chúng ta phải đi cùng nhau thì mới có thể đi được xa. Bộ TT&TT là người bạn đồng hành của mọi cơ quan, tổ chức trên hành trình này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là người bạn đồng hành của mọi cơ quan, tổ chức trên hành trình này. Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số giúp các cơ quan, tổ chức có chiếc la bàn, có chiếc đồng hồ công-tơ-mét để đo xem mình đã đi được bao xa. Bộ TT&TT đã ban hành Cẩm nang để làm tài liệu tham khảo, hướng dẫn, chúng ta có thể sử dụng khi bắt đầu hành trình hoặc khi gặp phải khó khăn.
Chuyển đổi số không phải chỉ hoàn toàn là số, chuyển đổi số bản chất là con người, là trái tim. Tôi nghĩ, đó là lý do tại sao chúng ta vẫn phải tổ chức những buổi Hội thảo gặp nhau trực tiếp như hôm nay.
Xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!  Chúc tỉnh Đắk Lắk năm 2021 này sẽ có những kết quả đột phá ban đầu để vững tin đi tiếp, đi nhanh hơn, đi xa hơn, đi chắc chắn hơn trong những năm tiếp theo.

Kim Bảo – Bá Lục

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready