Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch: Kỹ thuật mới trong điều trị bệnh đột quỵ não (20/12/2019, 09:30)

Đột quỵ não là căn bệnh cấp tính, nguy hiểm với tỷ lệ mắc cao. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời, điều trị đúng có thể gây tử vong hoặc nếu may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” cũng để lại di chứng nặng nề về thần kinh, như: liệt nửa người, tàn tật, khó đi, sống thực vật, không nói được, méo miệng hoặc nói ngọng gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động thường ngày, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, hiện nay, việc điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là một trong những phương pháp được khuyến cáo sử dụng hàng đầu không chỉ giúp bệnh nhân bị đột quỵ cấp giảm thiểu tỷ lệ tử vong mà còn hạn chế tối đa di chứng tàn phế cho người bệnh.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc- BVĐK vùng Tây Nguyên tích cực cứu chữa bệnh nhân bị tai biến

Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc- Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Việt Nam, phương pháp này được triển khai khoảng 1 năm trở lại đây tại các trung tâm chuyên khoa lớn, như: Bệnh viện 115, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và đem lại kết quả rất khả quan. Hầu hết, những bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này tỷ lệ hồi phục sức khỏe lên đến 80%. Tại tỉnh Đắk Lắk, tháng 10/2019 Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên bắt đầu triển khai phương pháp này. Tính đến nay, Khoa Hồi sức tích cực chống độc- BVĐK vùng Tây Nguyên đã điều trị thành công cho 3 trường hợp bị đột quỵ não mà không để lại di chứng sau điều trị, sức khỏe gần như bình phục hoàn toàn.

Trường hợp của ông Y Wet Êban, 67 tuổi ở xã Cuôr Đăng (huyện CưM’Gar) bị đột quỵ não cấp và được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và sử dụng thuốc điều trị tiêu sợi huyết kịp thời nên sức khỏe của ông Y Wet đã bình phục hoàn toàn. Trước đó, ông Y Wet đột ngột đau đầu dữ dội, rồi té ngã xuống đất, miệng ú ớ nói không thành lời nên gia đình đưa ông vào bệnh viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiếp nhận ông trong tình trạng hôn mê, yếu nửa người bên trái, không đi lại được, không nói được, nuốt bị sặc, đại tiểu tiện không tự chủ và rối loạn nhịp tim. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã nhanh chóng cho chụp cộng hưởng từ, phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu não ở vùng bán cầu não bên phải. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết điều trị cho bệnh nhân. Sau tiêm thuốc khoảng 1 giờ, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, tỉnh táo trở lại, tay chân bên yếu nửa người cử động được. Khoảng 2 ngày sau điều trị, cơ lực của ông Y Wet đã cải thiện gần như hoàn toàn, tiếp xúc tốt, nói được, đại tiểu tiện tự chủ và có thể đi lại được. “Gia đình tôi không ai nghĩ cách đây 1 ngày ông Y Wet nguy kịch đến như vậy mà chỉ sau vài giờ đồng hồ tay chân của ông đã dần dần cử động, còn có thể trò chuyện vui vẻ cùng với vợ con. Đây đúng là một điều kỳ diệu. Gia đình tôi vô cùng vui mừng và biết ơn các bác sĩ”. Vợ ông Y Wet xúc động chia sẻ.

Sức khỏe của ông Y Wet Êban đã bình phục hoàn toàn sau khi được các bác sĩ áp dụng điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch

Cũng theo bác sĩ Nhựt, trước đây, khi chưa triển khai phương pháp điều trị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân bị đột quỵ não sẽ được điều trị nội khoa, ổn định chức năng sống, dự phòng các yếu tố nguy cơ để tình trạng bệnh đỡ chuyển biến nặng hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải thở máy, nằm lâu ngày và thậm chí tính mạng bị đe dọa. Với phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, thuốc được tiêm vào đường tĩnh mạch của bệnh nhân, trong khoảng 1 giờ sẽ phá vỡ cục máu đông trên não của bệnh nhân, dòng máu trong não lưu thông trở lại, các chức năng sinh tồn, chức năng vận động, chức năng cảm giác, chức năng ngôn ngữ được trở lại bình thường và gần như ít để lại hậu quả. Lưu ý, phương pháp này chỉ có tác dụng đối với những bệnh nhân bị đột quỵ não trong thời gian vàng 4,5 giờ đầu, tức là từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên, như: choáng, đau đầu, nói ngọng, không nói được, ú ớ…cho đến khi vào viện là 4,5 giờ thì với tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 80%.  

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh đột quỵ não. Khi phát hiện người nhà có triệu chứng, như: méo miệng, nói ngọng, ú ớ, không nói được hay liệt một bên, họ nghĩ bị trúng gió nên đã tự điều trị cho bệnh nhân trước bằng cách cạo gió, bắt gió, bấm huyệt, lể….tốn thời gian vô ích, không đem lại hiệu quả mà còn khiến bệnh càng tiến triển nặng hơn.

Bác sĩ Nhựt cũng cho biết thêm: hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa lạnh, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ tăng đột biến. Trước mùa lạnh thì trung bình một tuần khoa tiếp nhận điều trị từ 4 đến 5 bệnh nhân. Nhưng hiện nay, trung bình một ngày có 2 đến 3 trường hợp bị đột quỵ nhập viện. Điều đáng nói, những trường hợp bị đột quỵ thường chuyển đến bệnh viện muộn, sau thời gian vàng nên không thể áp dụng được kỹ thuật tiêu sợi huyết. Dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng không thể hồi phục hoàn toàn, vẫn để lại di chứng nặng nề cho người bệnh và gánh nặng cho gia đình. Như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Long, 89 tuổi ở phường Thành Nhất (Tp. Buôn Ma Thuột) bị đột quỵ nhồi máu não. Do không được cấp cứu kịp thời nên ông đã điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK vùng Tây Nguyên nửa tháng nay nhưng tình trạng bệnh chưa có chuyển biến tốt, vẫn hôn mê và thở máy liên tục.

Vì vậy, bác sĩ Nhựt khuyến cáo: Khi thấy các dấu hiệu đột ngột tê hay yếu một bên cơ mặt, tay, chân đặc biệt liệt nửa người, lú lẫn, rối loạn ý thức, rối loạn thị giác, đi lại khó khăn, loạng choạng mất thăng bằng, đau đầu không rõ nguyên nhân …cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị trong thời gian vàng (tức trong vòng 4,5 giờ) và để được sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Việc phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng càng cao. Tuyệt đối không sử dụng phương pháp truyền miệng để điều trị tại nhà, như: ấn huyệt, châm cứu, cạo gió, bởi điều đó chỉ khiến thêm mất thời gian và mất đi cơ hội vàng hồi phục cho người bệnh. /.

Mỹ Hạnh- Đình Thi

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready