Triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (30/09/2021, 14:38)

Sáng 30/9, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC.

 Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 địa phương với khoảng gần 300 điểm cầu.

Chủ trì điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có ông Bùi Hồng Qúy – Chánh Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành, công chức phụ trách lĩnh vực CCHC.

Đề án phân cấp trong giải quyết Thủ tục hành chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho từng địa phương- Ảnh chụp màn hình

Tại Hội nghị, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã truyền đạt một số nội dung như: Hướng dẫn rà soát, đánh giá, đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ xây dựng Đề án; Hướng dẫn tạo tài khoản, phân quyền, điền biểu mẫu rà soát điện tử, gửi báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ. Nghiên cứu, vận dụng Hướng dẫn để tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp thủ tục hành chính theo phạm vi rà soát.

Quy trình thực hiện phân cấp giải quyết TTHC

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm tập trung triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tại Nghị quyết Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi kiện toàn (số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021) đã khẳng định quan điểm, định hướng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Thành viên Chính phủ không quyết định thay những việc đã phân cấp, uỷ quyền hoặc thuộc thẩm quyền của Bộ, cơ quan, địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc. Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về TTHC…

Thực trạng phân cấp thẩm quyền trong giải quyết TTHC hiện nay

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC: Quyết tâm của Chính phủ là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh: Gia Huy

Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 cũng nhấn mạnh: Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, bảo đảm nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng, nhiều nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực cho nhân dân.

Tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2021 đã giao Văn phòng Chính phủ xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết TTHC”, trình Chính phủ trong năm 2022.

Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, dịch COVID-19 mang lại rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội. Mmột trong giải pháp giúp nền kinh tế vực dậy, vượt qua khó khăn chính là tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường thể chế, tháo nút thắt, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC được triển khai trên phạm vi toàn quốc, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều tham gia quá trình xây dựng này. “Dự kiến, trong quý I/2022, VPCP sẽ trình Chính phủ Đề án phân cấp trong giải quyết về TTHC”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội- Ảnh chụp màn hình

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, với quyết tâm của Chính phủ là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, chúng ta đã có cơ chế Một cửa liên thông cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tại Bộ, ngành cũng đã có bộ phận Một cửa; có Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của các địa phương..., nhưng hiện nay việc giải quyết TTHC theo hướng nhanh chóng, kịp thời thì chưa như mong muốn. Còn nhiều TTHC vẫn giữ quy trình làm việc theo cách cũ, chưa theo cách tiếp cận người dân, doanh nghiệp là khách hàng; TTHC vẫn qua nhiều lớp, dữ liệu còn thiếu kết nối, chưa chia sẻ giữa các đơn vị… làm người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi lâu, mất nhiều thời gian khi giải quyết TTHC.

Hiện toàn quốc có khoảng trên 6.500 TTHC. Trong đó, các địa phương có khoảng 1.564 TTHC được phân bổ tại 3 cấp: Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, xã; có 1.458 TTHC thuộc ngành dọc của Trung ương tại địa phương (Hải quan, Thuế, Công an, Quân đội…); còn lại TTHC thuộc các Bộ, các ngành là 3.835 (khoảng 56%) TTHC thuộc cấp Bộ, ngành giải quyết.

Vì vậy, theo ông Ngô Hải Phan, lợi ích của việc xây dựng Đề án phân cấp giải quyết TTHC là giúp chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống nhanh chóng, chính xác. Rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp. Phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC gắn liền với quy trình, hồ sơ của TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý. Tiết kiệm thời gian, chi phí cho đối tượng thực hiện TTHC, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

VPCP thực hiện xây dựng tài liệu hướng dẫn và triển khai các biểu mẫu rà soát; tổ chức rà soát, đánh giá độc lập, đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC và xây dựng dự thảo đề án; tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương và kết quả rà soát độc lập, hoàn thiện dự thảo đề án, kèm theo phương án phân cấp cụ thể đối với từng TTHC; tổ chức lấy ý kiến Bộ, cơ quan, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học… trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án và phương án phân cấp TTHC.

Tại hội nghị, ý kiến của các Bộ, địa phương đều nhấn mạnh việc triển khai xây dựng đề án là cần thiết. Đại diện UBND TP Đà Nẵng nhận thấy, đề án là việc mới, việc khó, vì vậy địa phương đề xuất VPCP tạo nhóm hỗ trợ kỹ thuật, nhóm chuyên môn để giúp các địa phương hoàn thiện đề án đúng tiến độ. Đại diện Bộ Xây dựng cũng đề nghị có bộ phận hỗ trợ kỹ thuật phối hợp với các Bộ trong quá trình xây dựng đề án.

Cũng tại hội nghị, Cục Kiểm soát TTHC đã hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC; đồng thời hướng dẫn về rà soát, điền biểu mẫu điện tử, đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai xây dựng đề án cần hiểu đúng, nắm vững, bám sát yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai thực hiện. Chủ động, quyết liệt, tập trung nguồn lực, phát huy vai trò tổ chức, điều phối của cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Phối hợp chặt chẽ với VPCP, kịp thời phản ánh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready