Triển vọng từ các dự án chăn nuôi mới ở các tỉnh Tây Nguyên (21/08/2020, 10:19)

Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành dự án tại Đắk Lắk, Gia Lai, tiếp đến sẽ triển khai tại Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất chăn nuôi lợn lên 10.000 - 15.000 con lợn giống cụ kỵ, và từ 100.000 - 120.000 con lợn ông bà. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án có diện tích gần 200ha, bao gồm khu trang trại chăn nuôi 2.400 con lợn giống cụ, kỵ được chọn lọc và được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan trên diện tích 80ha; khu chăn nuôi gà giống 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân hữu cơ 15ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh 30ha... Quy trình chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0, theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP.

UBND tỉnh ký Bản ghi nhớ với Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn

"Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... Nhưng sở dĩ chúng tôi vẫn chọn đầu tư ở Đắk Lắk, hay Gia Lai là bởi các vùng khác không dễ tìm được diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao" - ông Hùng nói. 

"Hiện phía tỉnh Đắk Lắk đã và đang tạo điều kiện rất thuận lợi để Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk (liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus) xây dựng Đề án vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả trên lợn tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar" - ông Hùng cho biết thêm.   

Mục tiêu của dự án này là đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp giống lợn và gà an toàn dịch bệnh cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam và là vùng thí điểm an toàn dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổ hợp sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi liên kết khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á. "Dự án dự kiến cuối năm 2021 sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam" - ông Hùng nói. 

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar. Dự án có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng (giai đoạn 1) và có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm ký quỹ 1,5% tổng vốn đầu tư để đảm bảo thực hiện dự án, ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan chức năng thông qua và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến, dự án sẽ chính thức đi vào vận hành sau 48 tháng thi công xây dựng. 

Theo đánh giá Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ chế thu hút, "trải thảm đỏ" tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư đã được các tỉnh Tây Nguyên cam kết bằng hành động cụ thể. Ví dụ như ở Đắk Lắk, huyện và tỉnh đều tạo điều kiện về quỹ đất để Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đầu tư khu chăn nuôi công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đầu tư khoản tiền lớn thì đòi hỏi doanh nghiệp phải khép kín được chuỗi giá trị, liên kết thành hệ thống từ con giống, chuồng trại, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ… Khi đi vào hoạt động, đây có thể coi là mô hình mẫu theo công nghệ châu Âu.

 Đánh giá lợi thế để xác định hướng đầu tư

Ông Tống Xuân Chinh  - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, cho hay: Với khu vực Tây Nguyên, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách ưu tiên và hỗ trợ, trong đó có việc khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế Tây Nguyên đang là nơi thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp lớn”.

Phối cảnh khu chăn nuôi công nghệ cao tại các tỉnh  Tây Nguyên (Ảnh: Tập đoàn Hùng Nhơn)

Nhìn nhận vào thực tiễn lợi thế có sẵn, trong khi các vùng chăn nuôi lớn như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng đang gặp khó khăn vì diện tích đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư thì khu vực Tây Nguyên lại đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyến khảo sát, kiểm tra Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN do 2 Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đầu tư tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Doanh nghiệp rõ ràng đã nhận thấy được những thuận lợi đó, mới đây 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã bắt tay triển khai 2 dự án chăn nuôi quy mô lớn tại Đắk Lắk và Gia Lai. Trong đó, tại Đắk Lắk, 2 doanh nghiệp đang đầu tư triển khai "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk" trên địa bàn xã Ea M'Droh (huyện Cư M'Gar), với tổng vốn cả giai đoạn 2019 - 2025 là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (bìa phải) thăm mô hình cơ sở giết mổ tập trung Minh Long ở thôn 1 (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột)

Chiến lược của 2 tập đoàn này không chỉ đầu tư chăn nuôi công nghệ cao ở Đắk Lắk mà còn vươn ra các tỉnh khác của Tây Nguyên, với mục tiêu xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn, thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ 4.0 hiện đại nhất Đông Nam Á. Đối tượng nuôi chính của dự án là con lợn, trong đó họ liên kết sản xuất từ lợn cụ kị, ông bà, lợn giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy phân bón hữu cơ đến nhà máy giết mổ...Nhìn một cách tổng thể, và các doanh nghiệp cũng nhận thấy Tây Nguyên có lợi thế rất lớn, đó là quỹ đất còn nhiều, rất dễ hình thành các khu chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn.

Tây Nguyên có các vùng trồng trọt lớn, nông dân rất nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao. Thuận lợi về nguồn thức ăn thô xanh cũng như hình thành mối liên kết sản xuất với bà con nông dân. Tại đây, nếu đầu tư chăn nuôi bò cũng rất phù hợp, do còn nhiều diện tích đất có thể trồng cỏ, ngô sinh khối. là lợi thế về chính sách. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên và đầu tư đặc thù cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc. Muốn vậy, doanh nghiệp đầu tư phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là phải chăn nuôi theo chuỗi, doanh nghiệp có thể đầu tư tại chỗ hoặc liên kết với nhiều doanh nghiệp thực hiện chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, kỹ thuật công nghệ, nhà máy chế biến để giảm giá thành, chia sẻ cùng nhau cả rủi ro lẫn lợi nhuận. Thứ hai, dứt khoát phải áp dụng công nghệ cao. Thứ ba, nên lựa chọn mô hình đầu tư PPP, tức là công - tư đều tham gia vào chuỗi này. Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực, với các quy định rất chặt chẽ, trong đó Nghị định 13 đã có các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là Thông tư 23 về điều kiện chăn nuôi, trong đó quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, khi rót vốn vào chăn nuôi ở Tây Nguyên thì cần nắm rõ đặc điểm cơ sở hạ tầng, điều kiện chăn nuôi công nghệ cao còn thiếu vắng những gì để xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp, có tính khả thi nhất. Tôi cho rằng, một điều nữa chúng tôi đặc biệt lưu ý khi đầu tư chăn nuôi ở Tây Nguyên, đó là phải sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Vì Tây Nguyên vào mùa khô rất dễ xảy ra hạn hán, thiếu nước, không thể áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn như với khu vực đồng bằng sông Hồng hay Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, cần tiếp cận theo chuỗi chăn nuôi 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer) để vừa đảm bảo sản xuất chuỗi và bảo vệ môi trường. Tây Nguyên rất thích hợp để ứng dụng chuỗi này vì đây là vùng cây công nghiệp lớn, hướng tới sản xuất hữu cơ, đây chính là thị trường rất lớn cho phân bón hữu cơ - sản phẩm từ chuỗi chăn nuôi. Nếu hình thành được khu công nghệ cao, Nhà nước tham gia hỗ trợ ở những khâu người dân không đầu tư được, ví dụ như khâu giết mổ thì chắc chắn lĩnh vực chăn nuôi ở Tây Nguyên sẽ khởi sắc mạnh mẽ.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready