Đắk Lắk trên đường đổi mới: Góc nhìn của những người làm báo (23/06/2020, 08:11)

Chỉ 3 tháng sau khi phát động, Cuộc thi “Đắk Lắk trên đường đổi mới” lần thứ nhất năm 2020 do Báo Đắk Lắk tổ chức đã nhận được hàng trăm tin, bài của các cộng tác viên. Dưới góc nhìn, cách khai thác, cảm nhận của những người làm báo, bức tranh về Đắk Lắk được phản ánh khá toàn diện và nhiều chiều.

1. Vốn được coi là “khô, khó” nhưng đề tài về công tác dân vận của Đảng vẫn thu hút và có lượng lớn tác phẩm tham gia. Các tác giả thể hiện, phản ánh đề tài này qua những câu chuyện, những người thật việc thật khá sinh động, cụ thể và thuyết phục. Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” được phát huy, minh chứng bằng tấm gương của Những cán bộ mặt trận tận tâm ở Bình Thuận (TX. Buôn Hồ); Những hạt nhân đoàn kết ở buôn B’Mhao ở xã Cư M'ta, huyện M’Đrắk; Những đảng viên người Hmông đầu tàu gương mẫu, Những cựu chiến binh người Êđê làm kinh tế giỏi ở địa phương còn nhiều khó khăn như Krông Bông…

Đắk Lắk hôm nay.    Ảnh: Hoàng Gia

Đắk Lắk hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia

Không đạt chỉ tiêu nghị quyết về phát triển đảng viên, đó là trăn trở, vướng mắc của không ít tổ chức cơ sở đảng thời gian qua. Một số tác giả đã đi tìm hiểu, như một cách gián tiếp cung cấp kinh nghiệm, lời giải cho bài toán này; đặc biệt tinh tế và thuyết phục hơn là khai thác được việc thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên ở những địa bàn khó khăn nhất của huyện M’Đrắk như xã Ea San…

Có những tổ chức cơ sở đảng như Chi bộ buôn Pon 1 (buôn có 100% đồng bào là người dân tộc Tày, Nùng từ phía Bắc vào định cư) là một trong những đơn vị điển hình ở xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ) nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu phát triển đảng viên. Chi bộ hiện có 18 đảng viên, có độ tuổi từ 25 đến 70 tuổi. Từ năm 2015 đến nay, Chi bộ buôn Pon 1 đã kết nạp được 8 đảng viên mới. Đó là kết quả việc việc Chi bộ luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt,  phân công đảng viên trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để tạo nguồn cho Đảng...; hằng tháng, hằng quý, Đảng ủy xã đều ban hành các văn bản nhắc nhở, đôn đốc, rà soát từng chi bộ trong việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên hằng năm.

2. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả, thực hiện mục tiêu “5 tại chỗ”: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm hành chính công tỉnh…, đó là những gì mà người đọc thu nhận được qua những tác phẩm phản ánh về công cuộc cải cách hành chính của Đắk Lắk trên con đường đổi mới. Kể từ khi Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ban hành, Đắk Lắk đã tích cực xây dựng chương trình hành động, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm để có thể tận dụng các cơ hội, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và sáng tạo với tinh thần, quyết tâm “Đổi mới tư duy và hành động để bắt kịp 4.0”.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm nhà điều hành của Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: KIm Bảo

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thăm nhà điều hành của Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Bảo

3. Những cách làm mới, mô hình hay được truyền tải qua nhiều tác phẩm cũng đã cho thấy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất sôi nổi của Đắk Lắk trên con đường đổi mới. Thay đổi tư duy, phương thức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân đã biết hướng đến lợi ích lâu dài trong sản xuất nông nghiệp dưới hình thức hợp tác xã để cùng nhau liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Không còn là nông dân thuần tuý chân lấm tay bùn, nông dân của thời đại 4.0 đã năng động, sáng tạo để tìm đầu ra cho nông sản qua mạng xã hội, mạnh dạn thực nghiệm những cách làm mới, lạ, hiệu quả như: Biến phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi, Nuôi cấy thành công ngọc trai nước ngọt ở M’Đrắk, Mô hình trồng chuối xuất khẩu đầu tiên ở huyện Krông Pắc… Đồng hành với nông dân trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều sở, ngành, địa phương cũng đã thực hiện những chương trình, dự án đầy triển vọng như thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sầu riêng, bảo tồn gen và phát triển giống cá quý sông Sêrêpốk…

Anh Nghiêm Quang Tuấn (huyện M'Đrắk) thực hiện công đoạn cấy tế bào và nhân vào con trai.

Anh Nghiêm Quang Tuấn (huyện M'Đrắk) thực hiện công đoạn cấy tế bào và nhân vào con trai. Ảnh: Hoàng Ân

4. Sức sống, diện mạo mới của một Đắk Lắk từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là đề tài được phản ánh đậm đặc nhất. Đó không chỉ là bức tranh khởi sắc của phố núi Buôn Ma Thuột; đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con buôn Hoang (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) - buôn có 190 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số tại chỗ… mà còn thấy được tinh thần phát huy vai trò chủ thể của nông dân; là nỗ lực vượt khó của xã biên giới Ea Bung với mục tiêu đến cuối năm 2020 trở thành xã đầu tiên của huyện Ea Súp về đích xây dựng nông thôn mới. Thành quả nông thôn mới ở Đắk Lắk còn có sự góp sức của nhiều giới với câu chuyện về Người cao tuổi Ea Rốk hiến đất xây dựng nông thôn mới; Phụ nữ Cư M’gar hiến đất mở đường và không thể không nhắc tới dấu ấn của tuổi trẻ trong chương trình mục tiêu quốc gia này.

           Thanh niên  tình nguyện tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn  tại xã Tân Tiến,  huyện Krông Pắc.   Ảnh: Vân Anh

Thanh niên tình nguyện tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc. Ảnh: Vân Anh

5Học sinh lớp 5 góp tiền tiết kiệm chống dịch Covid-19; Xin được… thoát nghèo; Trao “cần câu” cho người nghèo nơi cổng trời Ea Rớt; Thắp sáng đường quê vùng sâu Cư Pui; Hành trình nhân ái của Câu lạc bộ sinh viên Hmông Buôn Ma Thuột…, các tác phẩm này làm lan toả thêm tinh thần nhân ái trong cộng đồng về những tấm gương sáng, những hành động đẹp. Đặc biệt khi đọc bài báo Nhọc nhằn đưa con chữ đến vùng sâu, độc giả không khỏi xúc động với câu chuyện về các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San, huyện M'Đrắk) đã nỗ lực vượt khó, đưa con chữ đến với học sinh. Trường được thành lập năm 2008, nằm biệt lập trong bản Hmông thuộc thôn 11, xã Cư San, cách trung tâm xã 12 km, cách trung tâm huyện M’Đrắk gần 40 km. Để đến trường dạy học, các thầy cô giáo phải vượt qua những quãng đường đất đồi núi, khúc khuỷu; thậm chí vào mùa mưa phải khiêng xe máy vì đường đất bùn lầy, nhão nhoẹt. Có những đợt mưa lũ kéo dài, các tuyến đường vào trường đều “tê liệt”, để vào được trường thầy cô giáo phải xách giày dép đi bộ hơn 5 giờ bằng đường vòng, trèo đèo, vượt qua con suối thôn 9 bằng chiếc bè mảng.

Vào mùa mưa, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân phải đẩy xe, đi bộ đến trường.  Ảnh: Mỹ Sự

Vào mùa mưa, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân  xã Cư San, huyện M'Đrắk)  phải đẩy xe, đi bộ đến trường. Ảnh: Mỹ Sự

6Một Đắk Lắk trên con đường đổi mới được các tác giả khai thác khá sinh động ở góc nhìn về công tác bảo đảm ổn định, vững chắc về quốc phòng, an ninh với câu chuyện về các anh bộ đội Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn Bộ binh 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) về làng giúp dân;

Những việc làm trách nhiệm, nghĩa tình của các cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 (Đoàn 737, Quân khu 5) giúp hàng nghìn hộ dân ở hai xã Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp) từng bước vươn lên ổn định cuộc sống; là hình ảnh về cây cầu gắn kết tình dân nơi biên giới; là tình hữu nghị giữa hai tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) - Jeollabuk (Hàn Quốc) với bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) nhiều hạng mục, công trình.

Mô hình trồng lúa cạn do Sở NN-PTNT và Tỉnh Đoàn thực hiện tại Làng Thanh niên lập nghiệp. Ảnh: Tỉnh Đoàn cung cấp

Mô hình trồng lúa cạn do Sở NN-PTNT và Tỉnh Đoàn thực hiện tại Làng Thanh niên lập nghiệp. (Ảnh: Tỉnh Đoàn cung cấp)

7. Đổi mới nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, không quên bảo tồn văn hóa truyền thống, đó là thông điệp được gửi gắm qua các tác phẩm như: Nặng lòng với văn hóa truyền thống; Truyền cảm hứng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống; Sống với … kỷ vật; “Bảo tàng thực vật sống” giữa lòng thành phố… Và với cái nhìn toàn diện, khách quan, bên cạnh thành quả của công cuộc đổi mới, các tác giả của Liên kết sản xuất cây nhàu: Khổ vì thoả thuận… miệng!; Cần sớm nâng cấp, sửa chữa Quốc lộ 19C đoạn qua huyện M’Đrắk;  Tan nát cầu, đường, bờ sông do nạn khai thác cát ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar)... cũng đã thẳng thắn chỉ ra những những hạn chế, bất cập trong xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tài nguyên, liên kết sản xuất.

Theo baodaklak.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready