Quỹ từ thiện Hằng Hữu và Công ty Cổ phần Đại Nam trao gói hỗ trợ y tế cho tỉnh Đắk Lắk chống dịch Covid-19 (05/11/2021, 14:05)

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin, nhận được văn bản đề nghị hỗ trợ từ UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Quỹ từ thiện Hằng Hữu và Công ty CP Đại Nam vừa trao gói hỗ trợ y tế gồm một trạm sản xuất oxy y tế công suất 8000L/ngày, 600 bình chứa oxy các loại, 150.000 đôi găng tay y tế Đại Nam Glove và 50.000 khẩu trang.

Ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT Quỹ từ thiện Hằng Hữu và Công ty CP Đại Nam trao gói hỗ trợ y tế cho tỉnh Đắk Lắk- Ảnh : Truyền hình Pháp Luật

Phát biểu tại buổi tiếp nhận gói hỗ trợ y tế, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trạm sản xuất cung cấp oxy y tế sẽ là yếu tố cốt lõi để nâng cao khả năng cung ứng oxy tại chỗ, giúp cho công tác điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân được tốt hơn, đồng thời hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Đây là sự hỗ trợ hết sức thiết thực và quý giá trong bối cảnh Đắk Lắk đang có số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến và trở thành một trong những “điểm nóng” bùng phát dịch COVID-19 của khu vực Tây Nguyên, nhưng đang thiếu và yếu về các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân mắc Covd-19.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ đợt dịch thứ 4 đến cuối tháng 10, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận trên 140.000 công dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương, riêng trong tháng 10 là 34.000 người. Trong đó, 32,3% số người dân trở về chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, số người được tiêm mũi 1 cũng chỉ đạt 35,3%. Áp lực tiếp nhận công dân đi làm ăn các tỉnh phía nam trở về được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tình hình dịch COVID-19 ở tỉnh diễn biến vô cùng phức tạp, trong những ngày gần đây toàn tỉnh đã ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục, số ca trung bình hàng ngày từ 150 đến 200 ca trong đó phần lớn là ca mắc phát hiện trong cộng đồng (bao gồm cả phát hiện khu phong tỏa, sàng lọc, cách ly tại nhà) tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột, Krông Búk, Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Lắk và thị xã Buôn Hồ. 

Các chùm ca bệnh mới xuất hiện rất phức tạp, rải rác khắp các địa phương. Nhiều chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, liên quan đến các chợ đầu mối, chợ buôn bán nhỏ lẻ, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, lái xe vận tải… khiến số ca mắc tăng nhanh và việc truy vết gặp nhiều khó khăn.

Theo dự báo của ngành y tế phải mất 1-2 tháng mới có thể kiểm soát được tình hình và số F0 có thể lên đến 4000-5000 ca.  Với điều kiện nguồn lực y tế của tỉnh Đắk Lắk còn hạn chế, tỉnh Đắk Lắk đang huy động mọi nguồn lực để khống chế dịch, đặc biệt là giảm thiểu trường hợp tử bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh này đã chỉ đạo nâng công suất điều trị của các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn và thành lập Bệnh viện dã chiến số 02 tại trường Chính trị (quy mô 1.500 giường). Đồng thời, các đơn vị liên quan đang khảo sát, tính toán phương án xây dựng thêm Bệnh viện dã chiến số 3 và số 4.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu tính khả thi và xây dựng phương án điều trị F0 tại nhà để dự phòng trong trường hợp số lượng F0 tăng cao vượt khả năng kiểm soát. Đề nghị Quân khu 5, TPHCM, tỉnh Khánh Hòa… hỗ trợ trang thiết bị, vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Đến nay, Đắk Lắk là địa phương thứ 5 được Quỹ từ thiện Hằng Hữu - Công ty CP Đại Nam hỗ trợ lắp đặt trạm sản xuất, cung cấp oxy y tế miễn phí, giúp nâng cao năng lực phục vụ công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhânh mắc Covid-19.

Kim Bảo