Tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cho cán bộ nòng cốt (29/06/2020, 07:57)

Ngày 27-28/6/2020, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh triển khai tập huấn  kỹ năng chăm sóc trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Đây là một hoạt động nhằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ.

40 cán bộ Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh dự tập huấn

Tham gia lớp tập huấn, đội ngũ giáo viên được tìm hiểu về bệnh tự kỷ, nguyên nhân gây tự kỷ, các dấu hiệu nhận biết sớm tự kỷ, tiếp cận các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ thích hợp và nâng cao nhận thức, chất lượng công tác chăm sóc trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn trang bị thêm kiến thức hỗ trợ vui chơi theo độ tuổi, hình thành kỹ năng viết; hành trình giao tiếp, xây dựng tháp học tập; lập phiếu theo dõi sự phát triển của trẻ từ 0-6 tuổi; kỹ năng giao tiếp sớm với trẻ tự kỷ…

Giảng viên truyền đạt tại lớp tập huấn

Theo Qũy Bảo vệ trẻ em tỉnh, mục đích lớp tập huấn nhằm trang bị phương pháp đánh giá ban đầu đối với trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn đặc biệt. Sau khi nắm được kiến thức chuẩn, đội ngũ giáo viên nòng cốt sẽ hướng dẫn lại cho phụ huynh, cung cấp kiến thức chuyên môn cho gia đình có trẻ tự kỷ cần tư vấn. Dự án “Nâng cao năng lực và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tỉnh Đắk Lắk” được triển khai trong vòng 03 năm. Trong năm 2020 dự án sẽ thực hiện đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng, định hình các hoạt động cho các năm tiếp theo. Sau khi tập huấn cho phụ huynh và cán bộ nòng cốt, dự án sẽ tiến hành hỗ trợ can thiệp 103 trẻ em bị tự kỷ điển hình trong toàn tỉnh. Mỗi em mắc chứng tự kỷ theo học tại trường sẽ lập phiếu đánh giá cá nhân và lộ trình can thiệp, còn trẻ em sống cùng cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn cách can thiệp cho phụ huynh thực hành.

Để đạt được mục tiêu giúp cho 100 trẻ được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, Qũy Bảo trợ Trẻ em tỉnh và Trung tâm sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả can thiệp của từng trường hợp và tiến tới xây dựng mạng lưới tư vấn truyền thông chung của tỉnh với sự phối hợp giữa Trung tâm với gia đình và cộng đồng trên địa bàn.

Kim Bảo