Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm đến công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, và đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Phần lớn các quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã phát huy được năng lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân trong tỉnh.
Điểm sáng từ cơ sở
Không phải là người gắn bó với mảnh đất Cư San qua những thăng trầm lịch sử, nhưng anh Triệu Đức Toàn – Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò – xã Cư San, huyện M’Đrắk lại được nhiều người dân nơi đây biết đến như là tấm gương tiêu biểu cho nhiều người noi theo. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Sông Chò hơn 3 năm nay, để có được sự tín nhiệm từ chính quyền địa phương và người dân trong thôn, anh Toàn đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, năng động sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như hăng hái, tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Trải qua nhiều vai trò, vị trí từ cơ sở, HĐND xã để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh coi trọng việc hướng dẫn những tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng chọt chăn nuôi, vận động bà con trong thôn người Dao chấp hành tốt các quy định của chính quyền, không di canh di cư, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên đối với chi bộ. Khoảng thời gian 2 năm về trước, chi bộ thôn Sông Chò gồm 04 đảng viên, trong đó có duy nhất 01 đảng viên của thôn người tại chỗ, còn lại là Đảng viên được điều động nơi khác. Do đó công tác phát triển Đảng viên ở chi bộ thôn Sông Chò luôn gặp khó khăn do thiếu nguồn kết nạp. Trước những khó khăn trên, Đảng bộ xã Cư San, chi bộ thôn Sông Chò đã xây dựng kế hoạch cụ thể về tạo nguồn kết nạp đảng viên cho từng giai đoạn cụ thể cho một năm và cả nhiệm kỳ, tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho chi bộ. Tại các buổi sinh hoạt hàng tháng của chi bộ, đảng viên được phân công theo dõi giúp đỡ quần chúng ưu tú có nhận xét, báo cáo trước chi bộ, những mặt mạnh, mặt yếu của quần chúng để chi bộ đưa ra nhận xét đánh giá, góp ý và tham gia bồi dưỡng. Kết quả sau 02 năm thành lập, chi bộ kết nạp được 04 quần chúng ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp tục giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành Đảng viên chính thức theo đúng quy định. Năm 2016 Chi bộ thôn Sông Chò đã giới thiệu thêm 05 quần chúng ưu tú tham gia lớp cảm tình Đảng, tạo nguồn cho việc kết nạp Đảng viên mới. Riêng Bí thư Toàn được vinh dự đại diện cho huyện M’Drắk được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương những cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức vào tháng 9/2016.
Bí thư Tỉnh uỷ Êban Y Phu trao đổi với Huyện uỷ M’Đrắk về những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyến kiểm tra và làm việc tại huyện vào tháng 9/2016.
Với cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ luôn đổi mới, tập trung lãnh đạo đối với một số lĩnh vực mang tính đột phá trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đưa giống mới vào sản xuất..Đảng bộ xã Eakao, thành phố Buôn Ma thuột là đơn vị điển hình cho việc hiện thực hoá những Nghị quyết bằng thực tiễn sống động. Hiện nay Ea Kao là xã đầu tiên trong tỉnh được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 5/2015. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Kao đã đề ra các chủ trương sát với thực tế ở địa phương, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ 2010, Đảng uỷ xã đã quan tâm phát triển Đảng viên từ Hội Cựu chiến binh và tăng cường các cán bộ xã là Đảng viên tham gia làm Bí thư cho thôn, buôn, từ đó làm hạt nhân nòng cốt cho việc phát hiện quần chúng ưu tú tại địa bàn để làm nguồn kết nạp cho chi bộ. Trung bình hằng năm Đảng bộ xã kết nạp 13 Đảng viên, số lượng Đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ được đứng hàng ngũ của Đảng chiếm 35% tổng số và tăng theo hằng năm.
Bí thư chi bộ buôn Tơng Jú - Y Thăm K’buôr, xã Ea Kao hướng dẫn bà con trong buôn tham khảo học tập mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.
Không chỉ dừng lại ở những nỗ lực của các chi bộ thôn, buôn, đến nay công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ chú trọng xây dựng thành chương trình hành động. Điển hình Huyện ủy Krông Bông có chủ trương hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho những đảng viên ở chi bộ cơ quan xã tăng cường xuống làm Bí thư chi bộ các thôn, buôn vùng sâu, xa trung tâm để tạo điều kiện cho đảng viên bám sát địa bàn góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người tại chỗ. Thị ủy Buôn Hồ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1/12/2011 và Kế hoạch số 29-KH/TU, ngày 24/2/2012 về việc xây dựng chi bộ, thôn, buôn, tổ dân phố và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để ưu tiên cho việc xác minh lý lịch đảng viên theo thực tế chi phí…
Đồng chí H’Won Ayun (người thứ hai từ bên trái qua) Bí thư chi bộ buôn Pốc A, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar, cùng các đồng chí trưởng, phó Ban tự quản buôn kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới trong buôn và tuyên truyền vận động người dân trong buôn (ảnh : Báo Nhân dân )
Ông Lê Năng Hảo – Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đánh giá : thời gian qua, nhiều Đảng bộ trong tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số như : Krông Năng, Lắk, Cư M’gar, Buôn Đôn…. Đối tượng được chú trọng kết nạp vào Đảng là trưởng thôn, buôn, trưởng các đoàn thể có uy tín trong cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác vận động quần chúng trên địa bàn khu dân cư, làm ổn định an ninh chính trị. Thống kê thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 10.918/69.171 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 15,78% tổng số đảng viên, 100% thôn, buôn có chi bộ và có đảng viên. Trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã kết nạp được 528/2.650 Đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 19,92%.
Giải pháp trong thời gian đến
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khó khăn của các địa phương trong công tác phát triển Đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là trình độ dân trí còn thấp, trình độ lý luận và thực tiễn của đội ngũ Đảng viên ở thôn, buôn vẫn còn bất cập dẫn đến năng lực lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, hoạt động chi bộ thôn, buôn chưa đạt hiệu quả cao. Trao đổi tại buổi làm việc và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế -xã hội 9 tháng đầu năm với các địa phương trong tỉnh, ông Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cho biết: Tỉnh uỷ thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và phát triển số lượng đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục triển khai Kế hoạch số 14-KH/TU của về “bồi dưỡng cán bộ các đoàn thể thôn, buôn, tổ dân phố” thông qua Hội nghị chuyên đề nhằm bồi dưỡng bí thư, phó bí thư, chi uỷ viên, trưởng phó ban tự quản và trưởng các đoàn thể ở thôn, buôn, ưu tiên đào tạo cán bộ nữ, dân tộc, già làng các buôn nhằm phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức đoàn thể nhân dân ở cơ sở để vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lựa chọn những nhân tố mới, quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng.
Bà H’Ngăm Niê – Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tham gia sinh hoạt chi bộ buôn Ắk, xã Cư M’ta, huyện M D’rắk
Chia sẻ về giải pháp phát triển Đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại buổi tham gia sinh hoạt với chi bộ tỉnh Đắk Lắk, bà H’Ngăm Niê – Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Từ 2014 - 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chủ động phối hợp với các cấp uỷ Đảng thực hiện chủ trương tham dự sinh hoạt định kỳ với 66 chi bộ ở thôn, buôn thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo con số thống kê Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bình quân mỗi năm toàn vùng Tây Nguyên kết nạp trên 5.000 đảng viên mới, tỷ lệ đảng viên là người dân tộc thiểu số, đảng viên có đạo được kết nạp ở các tỉnh đều tăng cao. Đến nay toàn vùng đã có 99% thôn, buôn có chi bộ và 99,75% thôn, buôn có đảng viên. Để công tác này đạt hiệu quả cao, các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Từ đó mỗi Đảng viên có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, buôn, tổ dân phố, vùng đồng bào dân tộc ít người còn ít đảng viên. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy cần tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở địa bàn này. Về phía Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tiếp tục triển khai chủ trương tham gia sinh hoạt với chi bộ khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp triển khai thực hiện có kết quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Kim Bảo
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (08/05/2025, 08:39)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (07/05/2025, 17:32)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia thảo luận các dự án Luật (07/05/2025, 10:36)
- Ông Nguyễn Thiên Văn được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (07/05/2025, 10:07)
- Hơn 1.000 cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện (06/05/2025, 16:24)
- Công bố PCI năm 2024 của Đắk Lắk: Nhiều chỉ số thành phần có sự cải thiện (06/05/2025, 15:30)
- Phát động Tháng Nhân đạo năm 2025 tại tỉnh Đắk Lắk (06/05/2025, 12:43)
- Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (05/05/2025, 20:03)
- Đắk Lắk phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2024 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh (05/05/2025, 14:00)
- Giao ban báo chí định kỳ tháng 4/2025 (29/04/2025, 16:57)
- Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4 năm 2025. (29/04/2025, 14:00)