Bộ sưu tập ché trong đời sống người Êđê tại Bảo tàng tỉnh
Quan niệm của người Êđê, sau khi mua ché về hoặc trước khi bán ché đi đều làm lễ cúng. Khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ phải tổ chức cúng nhập gia cho ché. Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.
Ché là hiện vật mang tính linh thiêng trong đời sống tâm linh của người Êđê
Lễ vật để cúng ché bao gồm 1 con heo thiến, 3 ché rượu lớn, 6 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng… Nhất định phải có cây xoan, vì đây được xem là vật kết nối giữa con người là thần linh. Trong nhà dài, cây cột rượu được dựng lên và trang trí với đủ màu sắc, hoa văn sặc sỡ bên cạnh là 3 ché rượu cần lớn được buộc cố định vào 3 cây cột rượu bằng những sợi dây rừng. Đội chiêng của buôn sẽ tấu lên bài chiêng đón khách để mời bà con, anh em, họ hàng gần xa đến tham dự.
Bộ sưu tập ché tại Bảo tàng thế giới cà phê
Thầy cúng bắt đầu làm lễ khấn mời thần núi thần sông, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cho phép gia đình được tổ chức lễ cúng; sau đó là nghi thức cúng cho ché với lời khấn: “Ơ dân làng buôn Tai, các Yang (thần linh) gần, Yang xa, Yang trên cao, Yang dưới thấp, các Yang đều đã đồng ý để gia đình tổ chức cúng cho ché. Gia đình dù có khó khăn, vất vả, cũng đã tiết kiệm, tích góp để mua được ché quý về ủ rượu cúng Yang. Ơ thần ché, gia chủ hôm nay tổ chức lễ đón ché Tang về nhà, xin được thông báo và mời thần ché cùng dự tiệc với gia chủ, từ nay về sau gia đình sẽ coi ché như con cái trong nhà, được đối xử tử tế… vì thế, mong ché hãy chung sống vui vẻ, lâu dài, hòa thuận, đầm ấm và giúp đỡ các thành viên trong gia đình”. Ché sẽ được thầy cúng đeo vòng đồng, chuỗi hạt vào cổ và tai với mục đích làm đẹp, được đối xử như con người.
Gia chủ ngồi nghe thầy cúng (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng ché (ảnh:Mai Sao)
Cuối cùng chính là nghi thức cúng cho chủ ché, xin thần linh ban cho chủ nhà sức khỏe, may mắn, làm ăn thuận lợi, để có thể mua được nhiều ché tốt hơn nữa… Nghi thức kết thúc, đại diện gia đình cảm ơn họ hàng, bà con buôn xa, buôn gần đã tới tham dự và mời mọi người ở lại dùng cơm, uống rượu mừng cho gia chủ đã sắm được ché quý.
Theo bà Hoàng Thị Nhật, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu của người Ê Đê đó là những chiếc vò được làm bằng các loại gốm gọi là ché. Đặc biệt ché rượu cần tham gia quan trọng vào sự linh thiêng và trọng thể của các lễ cúng. Lễ cúng lớn đòi hỏi dùng ché quý và phải đủ bộ ché theo phong tục .
Ché được đeo vòng, chuỗi với ý nghĩa ché đã được cúng nhập gia (ảnh: Mai Sao)
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa về ché, Bảo tàng đã sưu tầm và giới thiệu bộ sưu tập ché của người Êđê (diễn ra đến 20/2/2019), ngoài gần 60 chiếc ché được sắp đặt, bố trí theo không gian sinh hoạt truyền thống, còn có nhiều hình ảnh, tư liệu, bản trích thông tin và những câu chuyện đặc sắc liên quan đến ché được giới thiệu, thể hiện bằng các phương pháp đồ họa tinh tế, hiện đại giúp người xem cảm nhận hết tinh hoa văn hóa được người Êđê “mã hóa” vào trong vật dụng sinh hoạt vốn thân thiết và gần gũi này.
Người Êđê chia ché thành 04 loại chính, xếp thứ tự từ quý nhất trở xuống gồm : Ché Tuk, Ché Tang, Ché Ba, Ché Bô. Ngoài ra còn có loại ché Jăn, ché Duê, Ché Kriăk....Nhiều tộc người cư trú khác nhau nên đôi khi cùng một loại ché lại gọi bằng tên gọi khác tùy theo văn hóa từng vùng. Theo lối sống tự cung tự cấp, chiếc ché được đổi bằng sản vật của gia đình như heo, bò, trâu cho thương lái từ các vùng miền đến. Ché Tuk quý nhất phải đổi ngang 1 con voi hay 8 con trâu, chỉ sử dụng trong lễ nghi quan trọng, có con vật hiến sinh từ heo đực thiến trở lên. Ché Tuk cũng không thể cho mượn, người ít tuổi không được lại gần, phải cất kín nơi riêng biệt. Tuy nhiên, hiện nay, trong đời sống và thực hành nghi lễ của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà Lễ cúng ché đang dần bị mai một. Việc phục dựng nghi lễ cúng ché của người Êđê đã góp phần nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung. |
Kim Bảo
- Khai mạc Triển lãm và trưng bày sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột lần thứ II năm 2025 (29/04/2025, 18:24)
- Giao ban báo chí định kỳ tháng 4/2025 (29/04/2025, 16:57)
- Hội nghị gặp mặt các tổ chức thành viên, câu lạc bộ trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh (29/04/2025, 14:07)
- Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4 năm 2025. (29/04/2025, 14:00)
- Tuổi trẻ Đắk Lắk thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ (28/04/2025, 21:57)
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk lấy ý kiến góp ý 7 dự thảo Luật (28/04/2025, 17:44)
- Tập trung tuyên truyền, triển khai hiệu quả Kế hoạch xử lý thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm (28/04/2025, 17:00)
- Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (28/04/2025, 10:25)
- Trao giải và vinh danh những mẫu cà phê đặc sản năm 2025 (27/04/2025, 21:30)
- Bế mạc Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ XXI năm 2025 (27/04/2025, 18:54)
- Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 10 nghị quyết quan trọng (25/04/2025, 18:18)