Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 không có người tử vong vì bệnh Dại (28/09/2021, 15:04)

Sáng 28/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì phát biểu tại điểm cầu Hà Nội- Ảnh :TTXVN

Tham dự điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, lãnh đạo Sở, ngành liên quan.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 đã được các địa phương triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, một số kết quả nổi bật như: (i) Không xuất hiện ổ dịch bệnh Dại nghiêm trọng ở động vật; (ii) Năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại được tăng cường rõ rệt; (iii) Tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tăng từ 38,5% lên 49,2%; (iv) đã có 14 vùng an toàn bệnh Dại (bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và 13 huyện của Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tầu); (iv) Thay đổi quan điểm của chính quyền các cấp, tập trung, tăng cường chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh Dại; (v) Giảm 68 người tử vong vì bệnh Dại so với giai đoạn 2012 - 2016; (vi) Tăng nhận thức của người dân về bệnh Dại, tăng 21% số người bị chó cắn tự giác đi điều trị dự phòng; (vii) Giảm 30% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại và tăng 20% số mẫu xét nghiệm chủ động trên người, động vật; (viii) Phối hợp liên ngành đã chặt chẽ hơn giữa y tế và thú y cùng với các ban ngành khác so với giai đoạn trước.

Bảng thống kê  số người tử vong bị bệnh dại theo tỉnh trong 5 năm của Bộ NN-PTNT

Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hàng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Việc quản lý đàn chó, mèo được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố. Có 23/63 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc bệnh dại trên người liên tiếp trong 2 năm gần đây.Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn.

Cả nước đã xây dựng được 14 vùng an toàn dịch bệnh bệnh dại. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng từ 38,5% lên 49,2%...Tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh dại và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng tham luận tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Người bị chó, mèo cắn thường chủ quan không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dẫn đến lên cơn dại và tử vong. Hệ thống tổ chức ngành Thú y thay đổi, nhất là tuyến cơ sở chưa được kiện toàn, việc chỉ đạo chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở gặp khó khăn

Tại Đắk Lắk, từ năm 2017 đến tháng 9/2021 toàn tỉnh ghi nhận 33 người tử vong do bệnh Dại. Riêng bệnh dại  trên động vật chỉ được ghi nhận khi có người bị tử vong do chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn các hộ dân tự xử lý vật nuôi của mình không khai báo. Trong năm 2021, tỉnh triển khai giám sát bệnh Dại đã phát hiện 06 ổ dịch dại tại 06 xã, phường, thị trấn thuộc 05 huyện, thành phố. Số chó mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy là 11 con. Nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch bệnh đã thực hiện được 5,1 tỷ đồng, với 245.020 liều vắc xin dại từ năm 2017 – 2021. Nguồn ngân sách tỉnh chi khoảng 80 triệu đồng chủ yếu phục vụ hoạt động tuyên truyền.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giai đoạn 2017 – 2020, mặc dù bệnh Dại đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước, nhưng trung bình mỗi năm có 79 người tử vong vì bệnh Dại; số lượng người bị chó, mèo cắn trên 500.000 người buộc phải điều trị dự phòng, gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng; giám sát phát hiện vi rút Dại còn lưu hành tương đối cao ở động vật; số người tử vong do bệnh Dại giảm ở các tỉnh nguy cơ cao nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới.

Do đó, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, tiếp tục xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030” để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong thời gian tới, đồng thời phù hợp với Chiến lược kiểm soát bệnh Dại đến năm 2030 của thế giới và các nước Đông Nam Á; Đầu tư nguồn lực, hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh Dại và kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Phối kết hợp liên ngành giữa y tế và thú y ở cấp trung ương hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin, phối kết hợp trong giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại trên người và động vật. Ưu tiên tổ chức thực hiện xây dựng các cơ sở (cấp xã), vùng an toàn dịch bệnh tại các địa bàn đông dân cư. Phấn đấu đến cuối năm 2030 khống chế về cơ bản dịch bệnh Dại trên chó, mèo và không còn ca tử vong do bệnh Dại ở trên người.

Kim Bảo

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐẮK LẮK

Giấy phép số 99/GP-TTĐT do Cục QL Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cấp ngày 14/05/2010

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh - 09 Lê Duẩn - Tp.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. SĐT: 0262.859.9699 Email: banbientap@daklak.gov.vn hoặc congttdtdaklak@gmail.com

Ghi rõ nguồn tin "http://daklak.gov.vn" khi phát hành lại các thông tin từ Cổng TTĐT này

Chung nhan Tin Nhiem Mang ipv6 ready