Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ năm 2025 (19/12/2024, 14:18)

Sáng 19/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tham dự hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị hữu quan.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Năm 2024, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp... song ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, các chỉ tiêu tổng hợp của ngành cơ bản đạt và vượt kế hoạch; nông lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, góp phần ổn định đời sống cho người dân và phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, so với năm 2023, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt hơn 23.520 tỷ đồng (đạt 100,9% kế hoạch), tăng 4,83% và cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung cả nước; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động ước đạt 84,45%, đạt kế hoạch năm 2024 và tăng 0,57% so với năm 2023; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,15% (vượt 0,15% kế hoạch năm 2024, tăng 0,65% so với năm 2023; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đến nay ước đạt 38,8%, vượt 0,76% so vơi kế hoạch năm 2024; tổng diện tích cây trồng năm 2024 ước đạt 697.694 ha, bằng 106,31% kế hoạch, tăng 6.280 ha so với năm 2023. Đến nay, toàn tỉnh có 230 sản phẩm OCOP, tăng 81 sản phẩm so với năm 2023 và vượt 30 sản phẩm so với kế hoạch đến hết năm 2025.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Đỗ Xuân Dũng phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số được chú trọng; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền các cấp quan tâm, công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai…

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đều được mùa và được giá đã đem lại lợi nhuận to lớn cho người nông dân sản xuất nông nghiệp. Qua đó tạo nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là phát triển liên kết sản theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn vào thực tiễn.

Năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra các mục tiêu như: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 24.703 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 85% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,1%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 40%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu cũng như những thành tích nổi bật mà toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục quán triệt đầy đủ tư duy “kinh tế nông nghiệp”; tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp trách nhiệm; nâng cao năng lực xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của Đảng, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chương trình/Kế hoạch hành động của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời để ngành Nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, cần thực hiện tốt và đồng bộ nhiệm vụ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến và thương mại nông lâm sản và thuỷ sản; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công tác khuyến nông, giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, nước sạch môi trường nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…

Minh Huệ