Phát triển làng nghề gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội và du lịch. (01/06/2016, 07:56)

Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi phù hợp được nhiều địa phương trong cả nước triển khai và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai Đề án “ Phát triển làng nghề giai đoạn 2014 -2015 và định hướng đến năm 2020” trong đó chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Phát triển làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, phát triển làng nghề là con đường hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và quảng bá thương hiệu, hình ảnh đất và người, thương hiệu vùng miền, địa phương.

Với việc đa số các làng nghề đều nằm ở các vùng nông thôn nên việc phát triển, nâng cao hiệu quả các làng nghề chính là góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống dân cư. Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên là vùng đất có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tỉnh cũng có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp như dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất rượu cần, mộc, trồng hoa, điêu khắc gỗ, làm gốm, làm bánh tráng. Tuy nhiên do đặc điểm về địa lý, dân cư, tập quán sản xuất, sinh hoạt, giao thương nên việc duy trì và phát triển các làng, cụm điểm nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn dẫn đến tính cạnh tranh kém nên chưa phát triển mạnh, chưa mang lại kinh tế cao cho người dân. Một số ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, khó khôi phục.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm tại Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột được các du khách đánh giá cao về chất lượng.

Trước thực trạng đó, việc UBND tỉnh ban hành Đề án “ Phát triển làng nghề giai đoạn 2014 -2015 và định hướng đến năm 2020” được nhiều địa phương hy vọng sẽ là động lực để duy trì, phát triển các làng nghề, tổ chức lại hoạt động các làng nghề hợp lý hơn. Ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tham mưu xây dựng Đề án cho biết, nếu triển khai thực hiện tốt Đề án này sẽ có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế, xây dưng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời một số Sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai một số nhiệm vụ như tăng cường quảng bá, tiếp thị thị trường tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm làng nghề; phối hợp với các doanh nghiệp làm du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các cụm, điểm làng nghề như các tuyến du lịch Buôn Ma Thuột – Lắk; Buôn Ma Thuột Buôn Đôn; Buôn Ma Thuột – Ea Kao…

Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 01 làng nghề hoạt động có hiệu quả là làng nghề sản xuất bánh tráng tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ khôi phục, phát triển các cụm nghề có tiềm năng thành các làng nghề như cụm nghề dệt thổ cẩm tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột; cụm nghề gốm ở Buôn Dơng Bắc xã Yang Tao, huyện Lắk; cụm nghề trồng hoa – cây cảnh tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; cụm nghề dệt thổ cẩm tại Buôn Kna, xã Cư Mgar, huyện Cư M’gar…Đây là những cụm nghề có truyền thống, các sản phẩm đã cơ bản được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề, bên cạnh tăng cường các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực thì việc tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường và gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp. Du lịch làng nghề, du lịch sinh thái là xu hướng chung của thế giới bên cạnh du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng. Với việc phát triển các loại hình du lịch, các tour du lịch gắn với làng nghề nơi các du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các nghệ nhân để tham quan, tham gia vào các quy trình sản xuất ra sản phẩm là loại hình du lịch đã và đang được các công ty lữ hành du lịch quan tâm.

Nghề làm gốm tại Buôn Dơng Bắc, xã Yang Tao, huyện Lắk là một trong những nghề truyền thống được quan tâm hỗ trợ, phát triển.

Để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động du lịch, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp như quan tâm xây dựng thương hiệu làng nghề; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì; phát triển hạ tầng nông thôn nơi có các làng nghề, cụm nghề…Đặc biệt là hỗ trợ các làng nghề tham gia các hội chợ để quảng bá, xúc tiến, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Vũ Văn Đông cho biết thêm, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ tạo ra mối quan hệ tương trợ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, khi du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, cụm nghề và ngược lại. Nếu thực hiện tốt, Đề án “Phát triển làng nghề giai đoạn 2014 -2015 và định hướng đến năm 2020” sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực các làng nghề, cụm nghề theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thế Sự

Các tin khác